Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã CK: CTG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021 với 3.060 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả này, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 13.910,8 tỷ đồng.
Trừ đi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà băng này báo lãi ròng 11.233,2 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập lãi thuần của VietinBank vẫn tăng trưởng 24% so với cùng kỳ, đạt 31.392,5 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2021. Tiếp đến là lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, lần lượt đạt 3.794,3 tỷ đồng và 1.355,1 tỷ đồng. Các hoạt động khác cũng đem về cho VietinBank khoản lãi thuần 1.937,5 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí hoạt động của VietinBank chỉ tăng nhẹ, đạt mức 11.346,2 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 22,2%, đạt 14.004 tỷ đồng.
Riêng trong quý 3/2021, chi phí dự phòng tín dụng của VietinBank đạt 5.547 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trên bảng cân đối, tính đến ngày 30/9/2021, VietinBank đã trích lập tới 21.464 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng, tăng 70% so với đầu năm và 14% so với quý liền trước.
Việc VietinBank đẩy mạnh dự phòng diễn ra trong bối cảnh nợ nghi ngờ của nhà băng này tăng mạnh trong quý 3/2021, ở mức 11.631 tỷ đồng (tại ngày 30/9), tăng 7 lần so với đầu năm và 9,5 lần so với quý liền trước. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn của VietinBank lại giảm mạnh, đạt 3.543 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với cuối quý 2/2021.
Nhìn chung, tổng dư nợ nhóm 3-5 của VietinBank tại thời điểm cuối quý 3/2021 đạt 18.097 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đạt 1,7%, tăng gần gấp đôi so với đầu năm.
Trong quý 3/2021, dịch Covid đợt4 diễn ra căng thẳng, giãn cách xã hội lan rộng khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị giảm sút, tiềm ẩn rủi ro không trả được nợ cho ngân hàng.
Để dự phòng rủi ro, VietinBank đã chủ động dành nguồn lực tài chính trích lập dự phòng bổ sung theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN, chủ động nâng cao năng lực tài chính, khả năng chống chịu trước các rủi ro có thể có từ nền kinh tế. Ngân hàng khẳng định đang thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ theo đúng quy định của NHNN để chủ động trong các phương án xử lý nợ.
Đại diện VietinBank cho biết, Ngân hàng tiếp tục kiên trì với chính sách tăng trưởng bền vững, không nới lỏng các tiêu chí tín dụng để kiểm soát chặt chẽ rủi ro song song với tăng trưởng hiệu quả.
VietinBank đã cơ cấu danh mục tín dụng, đa dạng hóa và ưu tiên tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô và diễn biến từng ngành, lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, tỷ trọng dư nợ giữa các phân khúc khách hàng được cân đối lại bám sát định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, cho vay khách hàng tại VietinBank đạt 1.084 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 6,8% so với đầu năm. Quy mô tổng tài sản tại 30/9/2021 là 1.447.809 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm.