Giá trị cốt lõi – Bí quyết thành công của doanh nghiệp

“Tập trung vào người dùng và tất cả các thứ khác sẽ làm theo” một trong mười giá trị cốt lõi được hiện thực hóa trong qua trình hình thành và phát triển đã giúp Google trở thành gã khổng lồ trong lĩnh
Giá trị cốt lõi – Bí quyết thành công của doanh nghiệp

“Tập trung vào người dùng và tất cả các thứ khác sẽ làm theo” một trong mười giá trị cốt lõi được hiện thực hóa trong qua trình hình thành và phát triển đã giúp Google trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ.

“Nghĩ khác” chỉ vậy thôi mà Apple đã làm cho hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới thổn thức mong chờ sự ra đời của các sản phẩm mới tạo nên những cơn sốt trên thị trường, góp phần tạo nên những thành công ngoài sức tưởng tượng cho hãng Táo cắn dở.

“Giải pháp đổi mới” luôn tìm cách đổi mới tính ứng dụng của sản phẩm khiến cho Microsoft luôn được coi là nhà cung cấp dịch vụ có tính cập nhật cao nhất, một trong những giá trị cốt lõi được Microsoft hiện thực hóa thành các sản phẩm ứng dụng mang lại giá trị kinh tế cao và liên tục phát triển.

Chỉ với 3 ví dụ nêu trên đã phần nào cho chúng ta thấy khi chọn lựa đúng những điểm mấu chốt quan trọng về giá trị thực tế mang tính cốt lõi sẽ giúp cho doanh nghiệp đi đúng hướng, đạt được những thành công và phát triển bền vững, trong môi trường kinh doanh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt như hiện nay.

Không khó để có thể tìm thấy ở các doanh nghiệp Việt Nam những cụm từ Mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, cam kết… Những “chân lý” này được ghi rất rõ, rất hoành tráng, không chỉ có ở các doanh nghiệp lớn mà còn có ở các doanh nghiệp nhỏ thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ cũng có. Nhưng một thực tế các chân lý ấy chủ yếu được cóp nhặt hoặc xác định mơ hồ về giá trị không theo thực tế của doanh nghiệp.

Ví như một doanh nghiệp siêu nhỏ lại lấy giá trị cốt lõi là “tiềm lực mạnh” là giá trị cốt lõi hay một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lại lấy tiêu chí “công nghệ vượt trội” làm giá trị cốt lõi, những sai lầm này làm cho doanh nghiệp không có định hướng rõ ràng và không thấy được mục tiêu trong quá trình phát triển. Các doanh nghiệp Việt Nam thường dễ dàng bỏ qua những điều cơ bản nhất của việc xây dựng giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp mình là không xác định rõ những điểm mấu chốt có giá trị thực của doanh nghiệp, không lấy các giá trị thực làm mục tiêu hành động, không cam kết thực hiện nghĩa vụ một cách triệt để và không duy trì các hoạt động có giá trị thường xuyên.

Một doanh nghiệp muốn có chỗ đứng ổn định trong lòng khách hàng thì không chỉ là tạo ra những chương trình truyền thông rộng khắp, cho khách hàng xem những mẫu quảng cáo ấn tượng, hay tổ chức những sự kiện hoành tráng như cách mà các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thường áp dụng dù biết rất rõ để chạy theo những việc làm đó sẽ phải chi phí rất tốn kém và không đảm bảo mang lại được hiệu quả.

Doanh nghiệp rất nên xem xét thật kỹ năng lực nội tại của mình, tìm ra những điểm nổi trội nhất và khả năng thực hiện tốt nhất, các lợi thế cạnh tranh tốt nhất để tạo thành những giá trị cốt lõi, lấy đó làm mục tiêu thực hiện, làm hành động chính, duy trì thường xuyên liên tục tạo thành nét văn hóa kinh doanh đặc trưng của doanh nghiệp chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặt hái những thành công và phát triển bền vững. Mỗi doanh nghiệp sẽ có sự khác nhau quy mô, nghành nghề, năng lực vì vậy giá trị cốt lõi cũng khác nhau.

Doanh nghiệp phải chủ động lựa chọn cho mình những giá trị cốt lõi phù hợp, mang tính thực tế và khả năng thực hiện tốt nhất, không sao chép hay cóp nhặt giá trị cốt lõi từ những đơn vị khác sẽ làm giảm đi tính thực tiễn áp dụng. Ví dụ một doanh nghiệp kinh doanh máy móc thiết bị nhập khẩu thì giá trị cốt lõi của doanh nghiệp không phải là máy móc thiết bị vì các sản phẩm ấy các doanh nghiệp khác cũng có thể nhập khẩu được. Doanh nghiệp cũng không thể lấy giá cả làm giá trị cốt lõi được vì vậy doanh nghiệp cần chọn các điểm khác biệt khác làm giá trị cốt lõi như phương châm hoạt động, thái độ kinh doanh, chế độ chăm sóc khách hàng, sự tiện lợi, lợi ích thiết thực khi hợp tác, dịch vụ sau bán hàng .v.v… thành những tiêu chí cụ thể mang tính khác biệt làm giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp.

Một câu chuyện đang rất nóng trên các phương tiện truyền thông, diễn đàn và mạng xã hội đó là quyết định chấm dứt vĩnh viễn dòng sản phẩm smartphone cao cấp nhất Galaxy Note 7 do lỗi pin gây nổ của Samsung, sự cố đã gây thiệt hại không nhỏ cho Samsung, hãng điện tử số 1 thế giới. Qua việc này cho chúng ta thấy Samsung đang thực hiện giá trị cốt lõi “Đạo đức kinh doanh” một cách tích cực nhất như một phần trách nhiệm của mình với sự an toàn của khách hàng. "Lấy sự an toàn của khách hàng làm ưu tiên hàng đầu, chúng tôi đã quyết định dừng bán và ngừng sản xuất Galaxy Note 7", Samsung cho biết. Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi công ty tiến hành thu hồi tất cả Galaxy Note 7 đã bán, bao gồm cả những mẫu thay thế được cho là an toàn. Bằng hành động này chắc chắn Samsung sẽ lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong các sản phẩm kế tiếp của mình.

Các giá trị cốt lõi của mỗi doanh nghiệp cũng không hề giống nhau, mỗi doanh nghiệp sẽ có các tiêu chí xây dựng điểm mấu chốt quan trọng khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu, tầm nhìn, cam kết của mình trước thị trường và khách hàng. Nhưng doanh nghiệp phải tìm được những điểm mấu chốt quan trọng nhất, có giá trị nhất của mình để xây dựng hệ thống giá trị cốt lõi áp dụng vào hoạt động tạo ra lợi thế cạnh tranh và sự khác biệt để thành công và phát triển bền vững.

Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp từ ý niệm, hành động cụ thể, thực hiện nghĩa vụ, những kinh nghiệm được tích lũy hoặc nét văn hóa song hành trong tất cả mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nếu không tự tin vào những lựa chọn của mình cũng nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia để việc xác định giá trị cốt lõi của doanh nghiệp được chính xác nhất.

Xuân Thủy

Có thể bạn quan tâm