Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài7 tháng năm 2022. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, đáng chú ý là vốn đăng ký mới tiếp tục giảm, với 92 dự án và 5,27 tỷ USD, giảm 7,9% về số dự án và giảm 43,5% về số vốn.
Ngược lại, cả số dự án và số vốn tăng thêm đều tăng so với cùng kỳ, tương ứng là 579 dự án, tăng 3,2% và 7,24 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, có 2.072 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 13,8% so với cùng kỳ, với tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,58 tỷ USD, tăng 25,7%.
Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021.
Thêm vào đó, sự sụt giảm của vốn đăng ký mới còn là do, năm ngoái, nhiều dự án quy mô vốn trên 100 triệu USD được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Riêng các dự án này đã chiếm tới 62,6% tổng vốn đăng ký mới của 7 tháng năm 2021.
Đặc biệt, trong đó có Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II, có vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD.
Trong khi đó, 7 tháng đầu năm 2022, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD và chỉ chiếm 40,2% tổng vốn đầu tư của 7 tháng năm 2022.
Ngược lại, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng khá mạnh. Tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn tuy chậm lại so với các tháng đầu năm song quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tương đối cao so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao, ví dụ của Samsung, được tăng vốn với quy mô lớn trong 7 tháng đầu năm.
“Vốn đầu tư điều chỉnh tăng cao, một mặt cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu. Mặt khác, phần nào phản ánh tác động của lạm phát, giá cả tăng cao do ảnh hưởng của các cuộc xung đột chính trị, thương mại trên thế giới”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.
Một con số khác có thể chứng minh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, đó là vốn giải ngân tăng khá mạnh.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng cao nhất từ đầu năm - tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 1,3 điểm phần trăm so với 6 tháng. Con số là 11,57 tỷ USD.
“Các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, 7 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 2 là ngành kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỷ USD, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo, lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 526,2 triệu USD và gần 465 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Nếu xét về đối tác, đã có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,26 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 48,2% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, với dự án Lego, có tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 8,55% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông.