6 ngân hàng "mắc kẹt" với hơn 700 tỷ đồng dư nợ của Vinaship
Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm của Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship, tính đến cuối tháng 6/2017, Vinaship còn 278,7 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có khoảng 93 tỷ đồng vay nợ ngân hàng và hơn 25 tỷ đồng vay nợ cá nhân khác. Ngân hàng HDBank "mắc kẹt" số nợ ngắn hạn 17,4 tỷ đồng.
Số dư vay nợ dài hạn khoảng 614 tỷ đồng, giảm nhẹ 2%, trong đó chủ nợ lớn nhất là BaoVietBank và IndovinaBank với 211,5 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 159 tỷ đồng tại HD Bank; 102 tỷ đồng tại VDB và 141 tỷ đồng tại VietinBank.
Cuối quý II, Vinaship có gần 14 tỷ tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng và gần 10,3 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại HD Bank - CN TP HCM (số dư đầu năm là 30,6 tỷ đồng). Vinaship cũng sở hữu cổ phần của hai ngân hàng khác nhưng với giá trị không lớn.
Hoạt động kinh doanh không có khởi sắc
Trong nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của công ty đạt 252,7 tỷ đồng, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Do chi phí vốn tăng cao dẫn đến lợi nhuận gộp của Vinaship trong kỳ âm gần 35 tỷ đồng. Kết quả công ty tiếp tục báo lỗ 68,4 tỷ đồng, cao hơn khá nhiều so với mức lỗ 28,4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Đến 30/6/2017, lỗ luỹ kế của Vinaship là gần 274 tỷ đồng vượt quá vốn điều lệ của ngân hàng (200 tỷ đồng), nợ ngắn hạn của công ty lớn hơn tài sản ngắn hạn 282 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC, trong 6 tháng đầu năm, tình hình hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn do doanh thu vận tải biển giảm trong khi chi phí hoạt động vận tải biển lại biến động tăng so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến tỷ lệ lãi gộp của hoạt động vận tải biển sụt giảm mạnh.
Nguyên nhân chính là do rủi ro từ hoạt động giao thương, thời gian chờ xếp hàng (than xuất khẩu của Indonesia) và dỡ hàng (gạo nhập khẩu vào Philippines) quá lâu, phát sinh nhiều chi phí neo đậu cảng. Bên cạnh đó, tỷ trọng hàng nội địa (than, clinker) giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do tình trạng neo chờ giải phóng hàng nội địa tại các đầu bếp phía Nam. Hơn nữa, tình hình an ninh biển ngày càng bất ổn, ảnh hưởng đến tâm lý thuyền viên buộc Công ty phải huỷ một số hợp đồng vận chuyển đã ký và tìm kiếm đơn hàng khác bù đắp.
AASC cho rằng việc thiếu hụt vốn lưu động có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán hiện tại và khả năng hoạt động liên tục của công ty. Để đảm bảo khả năng thanh toán của công ty, Ban điều hành đang thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ thực hiện tái cơ cấu tài chính tại Vinalines giai đoạn 2017 – 2020. Công ty làm việc với các tổ chức tín dụng để điều chỉnh lại kế hoạch trả nợ của các khoản vay dài hạn theo hướng giãn nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi vay và mua bán nợ.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
>> IPO Vinalines: Nhà nước nắm giữ 65% vốn tại nhiều cảng biển lớn