ABBank báo lỗ trước thuế quý 3 gần 350 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng 60%

Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 10,5% lên 3.158 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gần 60% lên mức 1.653 tỷ đồng. Điều này đã kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,91% hồi đầu năm lên gần 3,2%...

ABBank báo lỗ trước thuế quý 3 gần 350 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng 60%

Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank, mã chứng khoán: ABB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 và kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm. Theo đó, ABBank ghi nhận mức lỗ trước thuế kỷ lục kể từ năm 2021 đến nay. Riêng trong quý 3, ABBank báo lỗ 343 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với quý lỗ gần nhất (quý 4/2022 lỗ 45 tỷ đồng).

Nguyên nhân chính cho khoản lỗ này là do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh hơn 31%, chỉ còn 182 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tăng vọt 123% lên 526 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngân hàng ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối (46,4 tỷ đồng), mua bán chứng khoán kinh doanh (3,7 tỷ đồng), và mua bán chứng khoán đầu tư (60 tỷ đồng), cùng với chi phí hoạt động ở mức trên 560 tỷ đồng. Tính chung, ABBank lỗ sau thuế gần 285 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của ABBank đạt 180 tỷ đồng, giảm sâu so với 565 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Năm nay, ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với kết quả năm 2023 là 523 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả lũy kế trước thuế quý 3/2024 ở mức 239 tỷ đồng, mục tiêu này trở thành thách thức lớn khi chỉ còn một quý nữa là kết thúc năm 2024.

Bên cạnh việc lợi nhuận sụt giảm, chi phí cho nhân viên trong kỳ của ABBank cũng giảm từ hơn 900 tỷ xuống gần 848 tỷ đồng, mặc dù số lượng nhân viên đã tăng từ 4.377 lên 4.428 người.

Đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của ABBank đạt hơn 164.193 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2023. Hoạt động cho vay khách hàng trong 9 tháng chỉ tăng nhẹ, chưa đầy 1%, đạt 98.767 tỷ đồng. Ngược lại, tiền gửi khách hàng giảm 9% so với cuối năm trước, còn 91.089 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2024-10-31-luc-120937.png
Nguồn: Báo cáo tài chính ngân hàng ABBank

Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) của ngân hàng tăng 10,5% lên 3.158 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gần 60% lên mức 1.653 tỷ đồng. Điều này đã kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,91% hồi đầu năm lên gần 3,2%.

Tuy nhiên, theo công bố từ ngân hàng ABBank: “Tỷ lệ nợ xấu của ABBank tính đến ngày 30/9/2024 của ngân hàng là 2,38% theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư 31/2024/TT-NHNN ngày 30/6/2024”.

Như vậy, tỷ lệ nợ xấu mà ABBank công bố không hoàn toàn khớp với số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 của ngân hàng.

Mới đây, ngân hàng ABBank vừa công bố danh sách 19 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, trong đó có 16 cá nhân chiếm hơn 33% vốn và 3 doanh nghiệp nắm giữ trên 33% vốn.

Đáng chú ý, ông Vũ Văn Tiền – một trong những nhân vật chủ chốt gắn bó với ABBank từ giai đoạn đầu và hiện là Phó Chủ tịch ngân hàng – không nằm trong danh sách sở hữu trên 1% vốn.

Danh sách này tiết lộ một số cá nhân họ Vũ sở hữu lượng lớn cổ phiếu ABBank. Bà Vũ Thị Hải Yến là cổ đông cá nhân lớn nhất, nắm hơn 43,8 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 4,2% vốn. Ngoài ra, ông Vũ Văn Hậu, em ruột ông Vũ Văn Tiền, sở hữu 1,96% và người có liên quan đến ông Hậu đang nắm giữ 15,45% cổ phần ngân hàng.

Hai doanh nghiệp do ông Vũ Văn Tiền đứng sau cũng sở hữu tổng cộng hơn 17% cổ phần tại ABBank. Trong đó, Tập đoàn Geleximco nắm 12,78% và Công ty cổ phần Glexhomes, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, nắm 4,42% vốn.

Glexhomes, thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Geleximco, chuyên phụ trách quản lý và tiếp thị cho các dự án bất động sản mà Geleximco phát triển như Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, Hải An Center, An Bình Plaza, và HTL Side Phú Yên. Chủ tịch của Glexhomes, ông Ngô Anh Trí, cùng các thành viên trong Hội đồng quản trị đều là nhân sự xuất thân từ Geleximco.

Ngoài hai doanh nghiệp thuộc Geleximco, ABBank còn có một cổ đông lớn khác là Malayan Banking Berhad (Maybank), hiện nắm gần 16,4% vốn điều lệ của ngân hàng.

Ông Vũ Văn Tiền, người đã gắn bó với ABBank từ những ngày đầu thành lập, thôi giữ chức Chủ tịch vào năm 2018 để tuân thủ quy định pháp lý về việc lãnh đạo doanh nghiệp không kiêm nhiệm tại ngân hàng. Kể từ đó, vị trí Chủ tịch ABBank do ông Đào Mạnh Khánh, em rể của ông Tiền, đảm nhiệm.

Trên thị trường chứng khoán, sau giai đoạn tăng cao vào cuối tháng 5 vừa qua, cổ phiếu ABB đã nhanh chóng lao dốc và rơi xuống vùng giá 7.700 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu này đã giảm hơn 7%. Theo đó, vốn hóa của ngân hàng trên thị trường ước đạt 8.000 tỷ đồng.

Xem thêm

Lợi nhuận 9 tháng MWG gấp 37 lần cùng kỳ, vượt 20% kế hoạch năm

Lợi nhuận 9 tháng MWG gấp 37 lần cùng kỳ, vượt 20% kế hoạch năm

Trong 9 tháng đầu năm 2024, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 99.767 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.881 tỷ đồng, gấp hơn 37 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, MWG đã hoàn thành gần 80% mục tiêu doanh thu và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm mà công ty đề ra...

Ngành hóa chất đảo chiều: Doanh nghiệp nhỏ tăng vọt, DGC hụt hơi

Ngành hóa chất đảo chiều: Doanh nghiệp nhỏ tăng vọt, DGC hụt hơi

Ngành hóa chất hiện đang cho thấy sự phân hóa rõ rệt, khi các doanh nghiệp nhỏ hơn như Hóa chất Cơ bản Miền Nam và Hóa chất Việt Trì đang tận dụng đà tăng trưởng của thị trường để bứt phá, trong khi "ông lớn" Tập đoàn Hóa chất Đức Giang lại gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận...

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...