Sáng nay, 1/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì buổi họp.
Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018.
Cùng thời điểm, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018. Huy động tăng 9,03%, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Được biết, năm 2019, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Phía NHNN cho biết cơ quan này đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và thị trường tiền tệ, chỉ đạo TCTD chủ động rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính.
Đáng chú ý, trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế ,đặc biệt là trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) liên tục cắt giảm lãi suất.
Từ ngày 16/9/2019, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống TCTD.
"Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường; thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời", cơ quan quản lý ngành ngân hàng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo nghị quyết này (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro).
"Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%, tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả nợ xấu tại VAMC và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vào khoảng 5,2%. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Trong lĩnh vực thanh toán, đến nay, có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCTDVTT) cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment).
Trong 7 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internetđạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 10,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2, 09 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 104, 9% và 155, 3% so với cùng kỳ năm 2018).