Theo đó, căn cứ vào công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đề nghị của ACB, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có thông báo điều chỉnh tỷ lệ room nhà đầu tư nước ngoài của mã chứng khoán ACB từ 29,88% lên 30% từ ngày 28/05/2018.
Hiện, cơ cấu cổ đông nước ngoài của ACB bao gồm: Dragon Financial Holdings Ltd (7,1%), hai quỹ thuộc nhóm Alp Finance là Whistler Investments Limited và Sather Gate Investments Limited (9,95%); hai công ty con của Connaught Investors Limited là First Burns Investments (4%) và Asia Reach Investments (3,26%)...
Trước đó, cổ phiếu ACB trải qua nhiều đợt trao tay giữa các quỹ ngoại. Vì room ngoại tại ACB đã sát nút 30% nên các quỹ này buộc phải gia tăng sở hữu thông qua các giao dịch nội khối.
Sắp tới vào 4/6, gần 98,6 triệu cổ phiếu ACB từ đợt trả cổ tức sẽ được giao dịch lần đầu tiên. Khối lượng cổ phiếu lưu hành sẽ tăng lên 1.125.914.025 cổ phiếu, tương đương 11.259 tỷ đồng theo mệnh giá. Với tỷ lệ 30%, các nhà đầu tư ngoại được nắm giữ tối đa 33,78 triệu cổ phiếu ACB.
Tính theo giá thị trường 40.500 đồng/cp (giá đóng cửa1/6), vốn hóa thị trường của ngân hàng sẽ tăng lên 43.921 tỷ đồng.
Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp ngân hàng giữ lại được lợi nhuận để tăng vốn điều lệ, qua đó làm dày hơn nguồn vốn tự có của ngân hàng, gia tăng tính an toàn cho các hệ số an toàn vốn (CAR), đặc biệt là trước áp lực tăng vốn để đáp ứng Basel II mà NHNN đang đề ra cho các thành viên hệ thống.
Năm 2018, ACB dự kiến tổng tài sản ngân hàng sẽ tăng 18% đạt 334.409 tỷ đồng vào cuối năm nay, tín dụng tăng 15% theo hạn mức quy định của NHNN. Vốn huy động từ tiền gửi khách hàng tăng 18%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, lợi nhuận trước thuế tập đoàn khoảng 5.699 tỷ đồng (gấp 2,14 so với năm 2017).
>> Nhóm Alp Asia Finance Limited trở thành cổ đông lớn của ACB