Agribank phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt nam (Agribank) thông báo phát hành Trái phiếu ra công chúng năm 2018 với số lượng đăng ký chào bán là 4 triệu trái phiếu, tương đương 4.000 tỷ đồng.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, có mệnh giá 1 triệu đồng/ trái phiếu, thời gian 10 năm. Tiền lãi trái phiếu được trả sau, định kỳ 1 năm 1 lần. Thời hạn đăng ký mua từ ngày 5-24/12/2018. Ngày dự kiến phát hành vào 25/12/2018.

Lãi suất trái phiếu áp dụng cho toàn bộ thời hạn 10 năm là lãi suất thả nổi được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng với 1,1%/năm. Lãi suất tham chiếu là bình quân lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được công bố trên website của 4 ngân hàng thương mại gồm VietinBank, BIDV, Vietcombank và Agribank.

Mục đích phát hành trái phiếu đợt này của Agribank nhằm tăng trưởng thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu cho vay nền kinh tế nói chung theo kế hoạch kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện để khách hàng có thêm cơ hội đầu tư hấp dẫn.

"Cụ thể, 4.000 tỷ huy động từ phát hành trái phiếu, Agribank dự kiến giải ngân 2.279 tỷ cho lĩnh vực xây dựng, 1.155 tỷ cho lĩnh vực điện, 78 tỷ cho lĩnh vực nước và 488 tỷ cho lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất kinh doanh khác.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn dài theo nhiều đợt với khối lượng từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn, Vietcombank hoàn tất phát hành trái phiếu theo 6 đợt kỳ hạn 6 năm với tổng khối lượng khoảng 550 tỷ đồng lãi suất 7,475%/năm. BIDV có 4 đợt phát hành thành công tổng cộng hơn 1.000 tỷ. Ngân hàng MB phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn 5 năm 1 ngày với trị giá hơn 1.400 tỷ đồng. VIB phát hành trái phiếu thành công huy động được 2.800 tỷ đồng và muốn làm tiếp đợt 2...

Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng , việc các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu thời gian gần đây có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, những trái phiếu kỳ hạn dài thì có thể tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng, từ đó làm tăng vốn tự có, giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) đang khá là thấp, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng lớn. Quy định hệ số an toàn vốn hiện nay là 9% nhưng trong tương lai sẽ kéo xuống còn 8%, khi thông tư 41 của NHNN hiệu lực từ năm 2019.  

Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 5, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đã xuống khá thấp, ở mức 9,39%.

Thứ hai, các ngân hàng phải huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn nữa vì sang năm cũng là lúc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống còn 40%. Phát hành trái phiếu là một giải pháp để gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn nhanh chóng. 

 >> Tháng 11, Kho bạc Nhà nước huy động 10.220 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Có thể bạn quan tâm