Cụ thể, Đạm Hà Bắc vẫn chưa được quyết toán gói thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, xây lắp vận hành bàn giao nhà máy từ dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc. Từ vấn đề này, công ty có thể phát sinh các khoản công nợ tiềm tàng trong tương lai khi thực hiện q0uyết toán.
Ngoài ra, tại thời điểm 30/6/2020, tổng số nợ ngắn hạn của Đạm Hà Bắc lớn hơn tài sản ngắn hạn là 4.411 tỷ đồng, lỗ luỹ kế tới 3.979 tỷ đồng trong khi vốn góp của chủ sở hữu chỉ đạt 1.209 tỷ đồng.
Các nội dung này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của công ty được trình bày trên cơ sở giả định hoạt động liên tục vì ban tổng giám đốc tin rằng công ty có thể cân đối được dòng tiền để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường.
Trong quý II/2020, Đạm Hà Bắc tiếp tục ghi nhận lỗ quý thứ 11 liên tiếp với gần 333 tỷ đồng, nâng luỹ kế 6 tháng lên lên 693 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn. Vay nợ tài chính ngắn và dài hạn vẫn ở mức cao lần lượt là 2.656 tỷ đồng và 4.798 tỷ đồng. Trong đó, Đạm Hà Bắc vay nợ lớn nhất tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 3.769 tỷ.
Liên quan đến VDB, mới đây, Kiểm toán Nhà nước cho biết tính đến 31/12/2018 nợ xấu tại ngân hàng này chiếm 17,2% tổng dư nợ tín dụng, có nhiều sai phạm trong quá trình cho vay.
Theo kết quả kiểm toán, Sở Giao dịch 1- VDB giải ngân cho vay CTCP Tập đoàn Thái Hoà Việt Nam chưa chặt chẽ. Công ty có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hoá giữa công ty mẹ và công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn. Doanh nghiệp không phối hợp với ngân hàng trong việc kiểm tra hàng hóa hình thành từ vốn vay. Khoản nợ khó có khả năng thu hồi của công ty Thái Hòa, tính đến thời điểm kết thúc năm 2018 là gần 340 tỷ đồng.
VDB cũng đầu tư tài chính không hiệu quả khi góp 3.690 tỷ đồng vào Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam để đầu tư Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án chưa cân đối được dòng tiền, VDB không thu được lợi nhuận kể từ khi góp vốn (năm 2007).
Cũng ở thời điểm 31/12/2018, trong có 54 dự án cho vay lại được thực hiện từ trước năm 2010 quá hạn thì ủy thác qua VDB chiếm 43 dự án (còn lại BIDV 8 dự án; VCB 3 dự án) với dư nợ là 5.100 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán là 3.500 tỷ đồng.
Chủ nợ nhiều "tai tiếng"
Ngân hàng phát triển Việt Nam chênh lệch thu chi năm 2018 âm 870 tỷ đồng, lũy kế đến hết năm 2018 âm 4.800 tỷ đồng.
Với kết quả này, Kiểm toán Nhà nước đề nghị VDB kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu và ban hành văn bản chỉ đạo số 1791 năm 2011 về việc cho vay với CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cho rằng VDB phải kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân thẩm định, phê duyệt, quyết định cho vay đối với 5 khoản vay tín dụng rủi ro cao.
Thứ nhất là khoản vay tín dụng đầu tư đóng mới tàu biển chở hàng khô chạy tuyến quốc tế trọng tải 12.500 tấn của CTCP vận tải biển Anh Tú. Dự án có hiệu quả tài chính thấp và có khả năng rủi ro trong việc hoàn trả vốn, dẫn đến phát sinh nợ quá hạn và không trả được nợ cho VDB.
Thứ hai là khoản vay cho dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 của CTCP DAP số 2 - Vinachem. Dự án có hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc thu hồi nợ và lãi vay.
Thứ ba là khoản vay của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội của CTCP Đầu tư và Phát triển N&G khi dự án hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc thu hồi nợ gốc và lãi vay.
Thứ tư là khoản vay của dự án nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn urê/ngày khi dự án còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính chính xác, kết quả tính toán chưa đảm bảo độ tin cậy. Dự án được đánh giá có độ nhạy tương đối cao dẫn đến không thu hồi được nợ gốc và lãi khi đến hạn.
Thứ năm là khoản vay tín dụng đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của CTCP Phát triển Xây dựng Phương Thảo phát sinh nợ quá hạn và khó khăn trong trả nợ vay cho VDB.
VDB cũng được đề nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến 3 khoản nợ có nguy cơ mất vốn nhà nước.
Thứ nhất là việc thẩm định, trình, phê duyệt quyết định cho vay, công tác giám sát tình hình sử dụng vốn vay đối với khoản cho vay tín dụng xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam.
Thứ hai là việc thẩm định, trình, phê duyệt, phát hành Chứng thư bảo lãnh, trong công tác kiểm tra, giám sát khoản vay đối với CTCP Thương mại và Dịch vụ Quốc tế An Thịnh, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng, dẫn đến VDB phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay và khó có khả năng thu hồi.
Thứ ba là việc thẩm định, trình, phê duyệt, phát hành Chứng thư bảo lãnh cho CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Datex vay vốn ngân hàng thương mại thực hiện đầu tư dự án khi hồ sơ vay vốn chưa đầy đủ, còn nhiều sai sót, bất hợp lý, dẫn đến rủi ro tiềm ẩn đối với VDB trong việc phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho Datex.
Ngoài phần kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, Kiểm toán Nhà nước cũng nhận định, Ngân hàng Phát triển Việt nam cần chấn chỉnh, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại sai phạm đã nêu tại báo cáo kiểm toán.
Theo báo cáo, cuối tháng 9/2019, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận, xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị chuyển điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với 2 vụ việc Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ liên quan đến VDB.
Đó là việc CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng và một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn, sử dụng vốn vay không đúng quy định tại ngân hàng này.