Vì sao là 20.600 tỷ đồng?
Theo tiết lộ của TBKTSG, ban đầu nhóm nhà đầu tư sẽ “bổ sung năng lực tài chính cho Sacombank thông qua việc tăng ròng vốn điều lệ thêm 20.600 tỷ đồng”. Nếu phương án này được thực hiện, Sacombank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam: 39.452 tỷ đồng (vị trí này hiện đang thuộc về Vietinbank: 37.234 tỷ đồng). Nhóm nhà đầu tư sẽ chiếm 52,5% cổ phần tại Sacombank và hiển nhiên có quyền chi phối ngân hàng này.
Con số 20.600 tỷ đồng cũng khá tương đồng với thông tin ông Kiều Hữu Dũng chia sẻ với báo chí vào đầu năm 2017. Theo vị Chủ tịch HĐTQ Sacombank, ngân hàng này đã nhận được nhiều đề nghị từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có “nhà đầu tư đã sẵn sàng bỏ một tỷ USD vào Sacombank và đã chính thức đặt vấn đề này với Ngân hàng Nhà nước.
Nhưng tại sao là 20.600 tỷ đồng mà không phải là một con số khác. Theo TBKTSG dẫn lời nhóm nhà đầu tư, với 20.600 tỷ đồng, Sacombank sẽ tiếp nhận một khoản vốn mới “để cải thiện căn cơ các chỉ số an toàn hoạt động”. Kế đó một hội đồng xử lý nợ sẽ được thành lập, tập trung giải quyết nợ xấu và thu hồi các tài sản tồn đọng. Bước tiếp theo, Sacombank sẽ sử dụng các nguồn thu nhập có được để trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu.
Điều có thể rút ra từ thông tin trên là Sacombank hiện trong tình trạng “ngấp nghé” các chỉ số an toàn hoạt động theo quy định của NHNN. Nhận định này là có cơ sở bởi theo những số liệu được công bố thì tình hình tài chính của Sacombank có nhiều vấn đề như tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2016 là 5,35%; Tài sản không sinh lời ở mức cao (Tổng các khoản phải thu 17.352 tỷ đồng và các khoản lãi, phí phải thu 26.389 tỷ đồng- chiếm đến 13,1% tổng tài sản); riêng các khoản lãi, phí phải thu đang ở mức 13,3% tổng dư nợ cho vay khách hàng…
Một điểm không thể không nhắc đến là hiện nay Sacombank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 do phải chờ NHNN phê duyệt Đề án tái cấu trúc ngân hàng sau sáp nhập (theo công bố thông tin của ngân hàng này).
Vai trò của Evercore Group và Redsun Capital Limited?
Hiện nay chưa có quy định hạn chế sử dụng vốn do các TCTD cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng sở hữu chéo, NHNN đang đề xuất bổ sung vào trong Luật Các TCTD: Nguồn vốn có được do các TCTD cấp tín dụng không được sử dụng để góp vốn mua cổ phần của bất kỳ TCTD nào.NHNN hoàn toàn có đủ cơ sở để kiểm tra, giám sát tiền góp vốn của các cổ đông mới là tiền thật, có nguồn gốc rõ ràng, không phải là tiền vay ngân hàng. Nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi ông Đặng Văn Thành cũng không thể là ngoại lệ.
Theo các thông tin công bố rộng rãi, Thành Thành Công là tập đoàn kinh tế đa ngành với 20 công ty thành viên,hoạt động trên 5 lĩnh vực chính gồm mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng, giáo dục và nông sản. Trong đó, tập đoàn tập trung vào ba mũi nhọn là mía đường, du lịch và năng lượng. Đầu năm 2012, báo chí từng đặt vấn đề tập đoàn này chiếm 40% thị trường đường Việt Nam. Đến cuối năm 2016, ông Đặng Văn Thành phát biểu con số này là 30%. Tổng vốn chủ sở hữu của Thành Thành Công theo công bố là 11.065 tỷ đồng, tổng tài sản là 24.568 tỷ đồng và tập đoàn này có hơn 7.000 CBNV.
Yêu cầu của NHNN đối với các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng là phải có tiền thực, tức không phải là nguồn tiền đi vay từ các TCTD, và tất nhiên cũng không phải là góp vốn bằng giá trị vốn cổ phần hay tài sản cố định. Với tiềm lực hiện tại, riêng Tập đoàn Thành Thành Công cộng với gia đình ông Đặng Văn Thành có lẽ khó đáp ứng được số tiền khổng lồ 20.600 tỷ đồng như phương án đề xuất. Đó là lý do có sự xuất hiện của hai đối tác khác (Evercore Group và Redsun Capital Limited) trong nhóm nhà đầu tư này.Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, hai đối tác trên mang dáng dấp của các đơn vị tư vấn hơn là các nhà đầu tư thực sự.
Đối tác trong nước, Redsun Capital Limited, là một công ty tư vấn trong nước chuyên về M&A. Công ty này khá kín tiếng mặc dù một số thành viên của họ đã tư vấn cho một vài ngân hàng tại Việt Nam.
Đối tác thứ hai, Evercore Group, theo công bố trên website riêng, là một ngân hàng đầu tư có trụ sở tại New York và niêm yết trên thị trường chứng khoán New York với vốn hóa 2,8 tỷUSD. Hoạt động của công ty gồm hai mảng: (1) Cung cấp dịch vụ tư vấn ngân hàng đầu tư với tổng trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD, bao gồm tư vấn M&A, tư vấn tái cơ cấu, tư vấn tài chính, chào bán,…; (2) Cung cấp dịch vụ quản lý đầu tư với tổng tài sản quản lý khoảng 8 tỷ USD.
Đến cuối năm 2016, tổng tài sản của Evercore Group là 1,66 tỷ USD; tài sản ngắn hạn là 925 triệu USD, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền 558 triệu USD. Tất nhiên Evercore không thể sử dụng phần lớn tài sản và tiền mặt của mình chỉ để đầu tư vào một thương vụ Sacombank.Cách ứng xử thường thấy của các ngân hàng đầu tư trong trường hợp này là sẽ tự góp một phần vốn, và phần lớn nguồn vốn còn lại sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư khác. Phương thức chào bán rất đa dạng: có thể chào bán riêng lẻ, nhận vốn ủy thác hoặc thành lập một quỹ đầu tư hay một pháp nhân mới.
Vấn đề đặt ra là nếu tiền được huy động từ nhiều nguồn như giả định nêu trên, liệu NHNN có chấp nhận phương án này hay không vì nó liên quan đến tầm nhìn của các nhà đầu tư là muốn đầu tư lâu dài vào Sacombank hay chỉ là đầu tư tài chính - mua để bán lại khi đạt mức lãi kỳ vọng. Ngoài ra, liệu hai đơn vị tư vấn đã huy động đủ vốn cho thương vụ này hay phải chờ đến khi kết thúc rà soát đặc biệt (due diligence) thì mới đủ thông tin để chào bán.
Đến đây, có thể thấy phương án tăng vốn thêm 20.600 tỷ đồng cho Sacombank chỉ mới ở mức đề xuất. Để được NHNN phê duyệt, nhóm nhà đầu tư và bản thân ngân hàng sẽ còn nhiều việc phải làm. Quá trình tái cơ cấu Sacombank cũng chắc chắn sẽ phức tạp và kéo dài chứ không phải “tăng ầm ầm” như giá cổ phiếu STB thời gian qua.
Theo Trí Thức trẻ