Chỉ nửa ngày sau khi chạm đỉnh gần 40 triệu đồng/lượng (chiều 6/7), đầu giờ sáng 7/7, giá vàng SJC bất ngờ quay đầu lao dốc xuống 37,25 triệu/lượng. Vài giờ sau, giá vàng có cú “đổ đèo”, giảm tới 2,65 triệu đồng so với đầu phiên, khiến cho giới đầu cơ, người dân hoảng hồn.
Vàng “bốc hơi” 2,6 triệu
Trước biến động giá vàng SJC tăng phi mã, người dân đổ xô tới các cửa hàng vàng lớn để nghe ngóng, khảo giá, quyết định mua – bán vàng chớp nhoáng. Tâm lý kỳ vọng giá vàng sẽ vượt mốc 40 triệu đồng, lập đỉnh 45-48 triệu đồng như hồi năm 2013, càng kích thích đầu cơ.
Thế nhưng, vàng vốn “đỏng đảnh” không báo trước, mở cửa thị trường ngày 7/7, giá vàng bất ngờ giảm mạnh, cứ mỗi giờ trôi qua lại “bốc hơi” vài trăm nghìn đồng mỗi lượng. Đến 11h30 trưa, Tập đoàn DOJI điều chỉnh mạnh giá vàng niêm yết xuống giao dịch ở mức 36,5 triệu đồng/lượng mua vào và 37,6 triệu đồng/lượng bán ra, tức giảm tới 2,3 triệu đồng mỗi lượng và chênh lệch mua vào – bán ra giãn rộng lên tới 1,1 triệu đồng/lượng.
Chị Nguyễn Diệu (Hà Nội) tỏ ra lo lắng khi giá vàng quay đầu giảm mạnh. “Mấy ngày qua, giá vàng tăng cao quá, tới gần 40 triệu đồng/lượng, vợ chồng tôi định bán ít vàng tích luỹ để lấy vốn kinh doanh. Thế mà hôm nay, vàng giảm nhanh quá, không biết nên bán hay giữ lại. Tôi vẫn đang nghe ngóng….” - chị Diệu chia sẻ.
Trong khi chị Diệu vẫn còn do dự, chưa quyết định bán vàng thì chỉ một tiếng sau, giá vàng SJC tiếp tục “đổ đèo” xuống còn 37,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Nửa giờ sau, giá lại giảm tiếp xuống còn 37,3 triệu đồng/lượng, tức “bốc hơi” tổng cộng 2,6 triệu đồng so với đầu giờ sáng. Ở chiều mua vào, giá vàng nhích nhẹ lên 36,7 triệu đồng/lượng.
Cả ngày 7/7, tại khu phố vàng Trần Nhân Tông nhộn nhịp kẻ mua, người bán với những đám đông chen nhau vào xem giá vàng. Nhân viên các công ty DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý… tất bật phục vụ khách hàng. Một số người dân cho hay, họ chỉ đến để khảo giá vì nghe tin giá tăng, song đến nơi giá vàng lại giảm nên từ bỏ ý định mua vàng.
Cùng thời điểm vàng giảm sốc, đã diễn ra hai cảnh tượng đối lập, một số người khấp khởi chờ bán vàng để chốt lời sáng 7/7 khi chậm chân chưa kịp bán ra ở mức đỉnh 39,8 triệu đồng/lượng (chiều 6/7). Ngược lại, nhiều người buồn rầu vì trót “ôm” vàng ở mức giá 38,8 triệu/lượng ở phiên trước thì hôm sau, đã bị lỗ mất từ 1,1- 1,3 triệu đồng/lượng, ý định “lướt sóng” thất bại.
Theo dõi sát diễn biến vàng thế giới và trong nước, một nhà đầu tư chứng khoán lại khá lạc quan về giá vàng tương lai. Vị này cho biết, các quỹ đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh mua vàng, càng tạo khan hiếm, đẩy giá vàng leo thang.
Ai thực sự “chốt lời”?
Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR ngày 5/7 đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 28,8 tấn, lên mức kỷ lục 982,72 tấn so với tháng 6/2013. Những lo ngại về bất ổn chính trị, sự kiện Brexit khiến đồng Euro, Bảng Anh giảm giá… càng khiến vàng thêm có giá.
Thực tế, thị trường vàng thế giới đang trong xu hướng tăng mạnh, ngày 7/7 đã leo lên mức 1.370,26 USD/ounce (tăng 1,1%) – mức cao nhất kể từ tháng 3/2014. Giá vàng giao tháng 8/2016 trên sàn Comex tăng 0,6% lên 1.367,1 USD/ounce. Còn vàng trong nước, sau khi tăng “phi mã” đã ngay lập tức “đổ đèo”, giảm mạnh nhưng vẫn đắt hơn 2,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi (tương đương 36,87 triệu đồng/lượng).
Những người mua vàng lúc đỉnh sóng chắc chắn bị lỗ nặng. Còn lợi nhuận từ chênh lệch giá lại đang chảy vào túi các nhà cái như DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, SJC… hoặc các ngân hàng có hoạt động liên quan đến vàng. Mức chênh lệch giá mua vào - bán ra 1,1 triệu đồng/lượng thì nhà đầu tư “ôm” vàng không thể “lướt sóng” kiếm lời trong cùng phiên.
Trong xu hướng giá vàng tăng, mỗi bước giá tăng 1 triệu đồng thì phải sang đến phiên thứ 3, nhà đầu tư mới có thể bán có lãi. Ngược lại, khi vàng giảm giá thì sẽ bị lỗ và dù có thoát hàng ngay cũng cầm chắc lỗ 2 giá. Hồi tháng 4/2013, khi NHNN tiến hành đấu thầu vàng miếng để bình ổn thị trường, duy trì mức chênh lệch giá vàng SJC và thế giới có thời điểm lên tới 6-7 triệu đồng/lượng.
Trước nghi vấn vài nghìn tỷ chênh lệch giá vàng đang đi đâu, ông Lê Minh Hưng, hồi đó là Phó Thống đốc NHNN, khẳng định: “Toàn bộ khoản chênh lệch giá vàng mà NHNN thu được từ việc đấu thầu vàng là nguồn thu và chuyển về ngân sách nhà nước.
Từ năm 2014 đến nay, hoạt động đấu thầu vàng đã tạm dừng, chủ yếu giao dịch qua các công ty, đại lý được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng. Toàn bộ số tiền chênh lệch giá SJC và thế giới, như hiện giờ khoảng 2,6 triệu đồng/lượng… liệu đang chảy vào túi ai, có vào ngân sách nhà nước hay không?
Thu Hằng/TBKD