Đó là đánh giá của ông Khoon Goh - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu châu Á của ngân hàng ANZ trong Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam vừa công bố.
Báo cáo phản ảnh sự lạc quan của hàng này với mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong hai năm tới. Dự báo tăng trưởng GDP năm nay là 6,8% và năm 2019 là 7% sau khi đạt mức ấn tượng trong nửa đầu năm nay.
Bên cạnh đó, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang có những leo thang cẳng thẳng, ANZ cho rằng Việt Nam có thể có được những lợi ích nhất định từ cuộc xung đột này, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong sáu tháng qua, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và sản xuất; và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây sẽ là yếu tố giúp kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng cùng với việc các cơ sở sản xuất được mở rộng, các ngành kinh tế như du lịch tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
ANZ cho rằng, triển vọng dài hạn của Việt Nam cũng tích cực nhờ các yếu tố như nhân khẩu học thuận lợi; lực lượng lao động có trình độ; các cải cách kinh tế đang được thực hiện và lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức như việc cần tập trung đảm bảo lạm phát ở mức mục tiêu, giữ cho tăng trưởng tín dụng không quá mạnh và tăng cường các bảng cân đối của khu vực tài chính.
Về chính sách tiền tệ, ANZ kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức 6,25% trong năm nay.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất chính sách sẽ ở mức 6,25% trong năm 2018, nhưng có thể sẽ phải nâng lên mức 6,75% trong năm tới để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát”, ông Khoon Goh nhận định.
Ông Khoon Goh còn cho biết, ANZ dự báo tỷ giá USD/VND ở mức 23.600 đồng vào cuối năm 2018 và 23.900 đồng vào cuối năm 2019 trong khi dự báo của ngân hàng này cho năm 2018 vào hồi đầu tháng 6 vừa qua ở mức 22.780.