ANZ Việt Nam: Mảng màu xám đằng sau mức lương 3.000 USD/tháng của nhân viên

Quỹ lương thưởng của CBNV ngân hàng ANZ Việt Nam năm 2016 thực tế đã bị bó hẹp lại 11,9%. Bởi năm qua, quy mô nhân sự nhà băng này sụt giảm tới 13%, trái ngược xu hướng nhiều ngân hàng.
ANZ Việt Nam: Mảng màu xám đằng sau mức lương 3.000 USD/tháng của nhân viên

Ngân hàng TNHH MTV ANZ (Việt Nam) mới đây đã công bố báo cáo tài chính cả năm 2016 với lợi nhuận tăng trưởng 51,1%. Mức thu nhập bình quân của mỗi nhân viên ANZ đạt 70 triệu đồng, tương đương hơn 3 nghìn đô/tháng. Tuy vậy, bức tranh hoạt động kinh doanh tại ANZ Việt Nam khi nhìn kỹ hơn thì không chỉ toàn màu hồng.

Lợi nhuận sau thuế của ANZ Việt Nam năm 2016 đạt hơn 452 tỷ đồng, gấp rưỡi năm trước. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 10,53%. EPS cả năm hơn 1.500 đồng/cp.

Tuy vậy, đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng của lợi nhuận lại đến từ hoạt động kinh doanh ngoại hối. Trong khi năm 2015, lãi từ hoạt động này chỉ là hơn 81 tỷ đồng nhưng con số này đã tăng gấp 3 trong năm nay đạt 252 tỷ đồng, gồm 142 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối theo tỷ giá giao ngay và 110 tỷ đồng từ các hợp đồng phái sinh.

Mảng này đã “cứu” nguy cho lợi nhuận của ANZ Việt Nam, bởi hai lĩnh vực kinh doanh mang về lợi nhuận lớn nhất cho nhà băng này đều tăng trưởng âm năm qua. Thu nhập lãi giảm 8,45% về 1.840 tỷ đồng khiến thu nhập lãi thuần cũng giảm gần 100 tỷ đồng, đạt 1.230,4 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng giảm nhẹ 4 tỷ đồng, thu về 325,6 tỷ đồng.

Tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng đều âm. Tính đến cuối năm 2016, tiền gửi khách hàng tại nhà băng này là 32.636 tỷ đồng, giảm ròng 2.900 tỷ so với đầu năm. Tổng tài sản của ANZ Việt Nam đến cuối năm 2016 xấp xỉ 39.065 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với đầu năm. Tương tự như nhiều ngân hàng vốn ngoại khác, với ưu thế về ngoại tệ, nên hơn một nửa tài sản của ANZ lại được sử dụng để cho vay các tổ chức tín dụng khác mà không phải khách hàng. Cho vay tổ chức tín dụng khác cũng giảm hơn 4.000 tỷ còn 18.950 tỷ đồng. Cho vay khách hàng cũng bó hẹp lại so với năm trước còn 13.960 tỷ đồng, giảm 13,5%.

Chi phí hoạt động cả năm 2016 của ANZ Việt Nam đạt 1.316 tỷ đồng, giảm 7,45% so với năm trước. Ngân hàng này dành 35% chi phí hoạt động để chi trả lương thưởng cho nhân viên.

Trong khi các ngân hàng khác có số lượng nhân viên khá lớn, điển hình như ngân hàng Kiên Long có cùng mức vốn điều lệ nhưng số lượng nhân viên lên tới hơn 2.000 người thì số lượng nhân viên của ANZ Việt Nam chỉ là 568 người. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng Kiên Long đạt 121 tỷ đồng trong năm qua, bằng 27% lợi nhuận của ANZ Việt Nam. Trong khi lương thưởng bình quân của Kiên Long năm 2016 là 12,25 triệu đồng/người/tháng thì lương và thưởng bình quân mỗi nhân viên ở đây vì thế cũng ở mức “đáng ngưỡng mộ” 70 triệu đồng/tháng.

Đây chỉ là con số bình quân nhưng sự tăng trưởng dù không quá lớn của thu nhập (năm 2015 đạt 69 triệu đồng/người/tháng) là điều đáng mừng cho nhân viên ANZ Việt Nam. Tuy vậy, câu chuyện nhân sự tại ANZ Việt Nam không chỉ toàn màu hồng. Quy mô nhân sự nhà băng này sụt giảm 13% sau một năm, với lượng nhân sự giảm ròng là 85 người.

Tập đoàn Ngân hàng mẹ ANZ từ tháng 10/2016 đã rao bán mảng ngân hàng bán lẻ tại Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia. Đối tượng mua lại là Ngân hàng DBS. Lý do của những thương vụ chuyển nhượng này được báo chí quốc tế cho biết là nhằm thu hẹp một số mảng dịch vụ tại châu Á.

ANZ đã mở rộng mạnh mẽ tại châu Á trước năm 2013, từng mở rộng các mảng kinh doanh mới, mua cổ phần của các ngân hàng địa phương. Tuy nhiên, từ sau khi có CEO mới, ông Shayne Eilliott, chiến lược của ANZ đã thay đổi theo hướng gần như ngược lại, thoái vốn tại các khoản đầu tư nhỏ và tập trung vào hoạt động cốt lõi.

Các chỉ tiêu sinh lời của ANZ Việt Nam mặc dù khá tốt nhưng có vẻ cũng vẫn chưa đạt mức hiệu quả của vị CEO mới này. Giữa tháng 3/2017, theo nguồn tin từ Saigon Times, ANZ Việt Nam cũng đã xác nhận đang xúc tiến bán lại mảng kinh doanh bán lẻ và có tới 5 ngân hàng đánh tiếng quan tâm.

Theo Thanh Thủy/NDH

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...