Bà Lê Thị Thủy tái cử Bí thư Tỉnh Hà Nam

Tiếp nối các hoạt động của Đại hội Đảng bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam khóa XX đã tiến hành bầu thành công Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, gồm 14 thành viên.

Chiều qua (21/9), Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Hà Nam khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã họp phiên thứ nhất. Hội nghị đã tiến hành bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy.

Bà Lê Thị Thủy tái cử Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bà Lê Thị Thủy tái cử Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Kết quả, Đại hội đã bầu 14 người vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm: ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; ông Đào Đình Tùng, Phó Chủ nhiệm thường trực UB Kiểm tra Tỉnh uỷ; ông Đặng Đình Thoảng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; bà Lê Thị Thủy, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Hồng Quân, Chủ nhiệm UB Kiểm tra Tỉnh ủy; ông Đặng Thanh Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Lục; ông Lương Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; bà Đinh Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Trần Thị Ngân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; ông Lương Quốc Huy, Bí thư Thị xã Duy Tiên; ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Công an tỉnh; ông Nguyễn Anh Chức, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Phủ Lý; bà Lê Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đinh Văn An, Giám đốc Sở Công Thương.

Ban Chấp hành đã bầu bà Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khóa XIX, làm Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Trương Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX, Bí thư Thị ủy Duy Tiên, và bà Đinh Thị Lụa, Tỉnh ủy viên khóa XIX, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đại hội cũng đã bầu 8 người vào UBKT Tỉnh ủy, trong đó ông Lê Hồng Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, được bầu giữ chức Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong khuôn khổ đại hội, tỉnh Hà Nam cũng tiến hành thảo luận nhiều nội dung quan trọng khác. Cụ thể, trên cơ sở phân tích những nhân tố tác động đến tỉnh Hà Nam trong những năm tới, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam khóa XIX trình Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, đã xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm 2020-2025, trong đó có 3 nhiệm vụ đột phá.

Thứ nhất, tỉnh Hà Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trong tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Để thực hiện các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020-2025, Báo cáo Chính trị của Đảng bộ tỉnh đã đề cập giải pháp thực hiện. Bên cạnh giải pháp về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhóm giải pháp về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được chỉ rõ.

Theo đó, Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh; xây dựng nông thôn mới bền vững. Phấn đấu giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng bình quân 2%/năm; đến 2025, ngành nông nghiệp chiếm 5,6% tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh, chăn nuôi-thủy sản chiếm 55%, trồng trọt-lâm nghiệp chiếm 35%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 10% trong cơ cấu nội bộ ngành. Phấn đấu đến 2025, giá trị sản phẩm/diện tích canh tác đạt 150 triệu đồng/ha/năm.

Giải pháp thứ hai, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ hiện đại, hiệu quả cao tạo động lực tăng trưởng nhanh, bền vững. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,5%/năm; đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 221.000 tỷ đồng.

Giải pháp thứ ba là đẩy mạnh công tác thanh tra, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm