Và đặt trong bối cảnh chung của một Chính phủ kiến tạo như hiện nay, vấn đề báo chí – doanh nghiệp cùng hội tụ để kiến tạo đất nước được Thương Gia đặt ra cùng các vị khách mời là lãnh đạo các cơ quan báo chí và các doanh nhân.
Trong thời gian qua, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đồng hành với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng có sự tự tin để nâng cao sức mạnh tự thân, sẵn sàng cạnh tranh… Theo ông, bà, báo chí đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển ấy?
Bà Nguyễn Lan Anh, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng: Không phải cho đến tận bây giờ và trong một vài nội dung cụ thể như bạn vừa nói, mà ngay từ xưa tới nay, chức năng, nhiệm vụ và thành quả của báo chí luôn luôn gắn bó, đồng hành và phục vụ mọi mục tiêu phát triển của đất nước nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, khi mà mục tiêu phát triển của chúng ta đang thực sự đòi hỏi một sự đồng tâm, đồng hành của đông đảo mọi tầng lớp, mọi đối tượng, mọi lĩnh vực trong xã hội, thì vai trò của báo chí nói riêng lại càng được chú ý và có phần nặng nề hơn.
Báo chí lúc này không chỉ còn là chiếc cầu nối hai chiều giữa Doanh nghiệp với Nhà nước và xã hội, mà còn đảm nhiệm chức năng giống như một tấm lọc nhạy cảm đối với những luồng thông tin đa dạng, đa chiều đang tràn ngập trong đời sống cũng như trên mạng xã hội, để giúp cho mối liên kết, giúp cho sự đồng hành của Chính phủ với Doanh nghiệp thực sự trở nên hữu hiệu, đúng với ý nghĩa ban đầu nữa. Nói một cách khác, báo chí hôm nay cần phải thực sự trở thành một bộ phận sắc sảo và đồng bộ, phải coi sự tồn tại của mình là một yếu tố sống còn trong cuộc đồng hành đầy kỳ vọng này.
"Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, thì báo chí lúc này cũng không thể đứng ngoài hay đứng lệch đi trong xu hướng đó. Báo chí cũng phải tham gia vào cuộc đồng hành này như một thành viên có trách nhiệm. Đồng hành cùng doanh nghiệp cũng đồng thời là đồng hành cùng với Chính phủ, là góp phần vào nhiệm vụ kiến tạo của Chính phủ và sự phát triển của doanh nghiệp…”
Bà Nguyễn Lan Anh, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng.
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập báo Kinh tế Đô thị: Đúng như chị Lan Anh đã nói, không phải bây giờ mà từ khi có công cuộc đổi mới 1986, báo chí luôn là người bạn đồng hành với doanh nghiệp, chia sẽ khó khăn, động viên khi doanh nghiệp gặp rủi ro và đặc biệt là, có nhiều bài báo lên tiếng, bênh vực, bảo vệ, giải oan… khi doanh nghiệp “lâm nạn”. Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất trong thời gian qua là, báo chí đã phản ánh được ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, phát hiện những bất cấp về chính sách, phản biện chính sách để xây dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, CEO Alphabooks: Cam kết của chính phủ và của Thủ tướng trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo là chính xác và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới khi chuyển dịch dần từ vai trò giám sát, kiểm soát sang vai trò hỗ trợ, kiến tạo làm nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp. Đương nhiên, báo chí có vai trò rất quan trọng.
Báo chí cần truyền tải được thông điệp đó và tiến trình biến chuyển đó rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Là cầu nối thông tin từ chính phủ đến doanh nghiệp và ngược lại. Doanh nghiệp và xã hội cần biết được những chuyển động của chính phủ, cả trung ương và địa phương, của các cơ quan, tổ chức của chính phủ, như các hoạt động của cấp cục, vụ chứ không chỉ là lời tuyên bố và hành động của những người cao nhất. Ngược lại, doanh nghiệp thông qua báo chí thể hiện những mong muốn và cả những đóng góp cho sự thay đổi này.
Vậy các anh chị có thể đưa ra một đánh giá ngắn gọn về mối quan hệ giữa báo chí và DN hiện tại?
Bà Nguyễn Lan Anh: Chính phủ kiến tạo là một chính phủ năng động và biết lắng nghe. Trong bối cảnh ấy, doanh nghiệp phải được xem như một “đối tác” của báo chí. Ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp cần phải được phản ánh trung thực và kịp thời qua báo chí truyền thông đến các cơ quan của Chính phủ để xem xét, xử lý, chứ doanh nghiệp lúc này không chỉ còn là những “đối tượng” phản ánh đơn thuần như trước đây nữa.
Nói Chính phủ đồng hành cùng Doanh nghiệp, thì báo chí lúc này cũng không thể đứng ngoài hay đứng lệch đi trong xu hướng đó. Báo chí cũng phải tham gia vào cuộc đồng hành này như một thành viên có trách nhiệm. Đồng hành cùng Doanh nghiệp cũng đồng thời là đồng hành cùng với Chính phủ, là góp phần vào nhiệm vụ kiến tạo của Chính phủ và sự phát triển của Doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Minh Đức: Có thể tự tin mà nói rằng, báo chí chính là là người bạn đồng hành của doanh nghiệp. Báo chí giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh và ngược lại doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cung cấp thông tin và là “mạnh thường quân” để báo chí có điều kiện phát triển.
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Thực ra, tôi cảm thấy mối quan hệ ấy đang có phần nào đó suy giảm, báo chí có thể làm tốt hơn nhiều những gì chúng ta đang có hiện nay song báo chí đang trải qua những thay đổi về nền tảng và cấu trúc vận hành khi công nghệ và mạng xã hội chi phối cuộc sống quá nhiều. Chính vì thế, theo tôi Báo chí phải tìm ra cho mình một mô hình vận hành thích hợp.
Báo chí, truyền thông có vai trò rất lớn trong sự phát triển, lớn mạnh của DN. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều trường hợp thông tin trên báo chí gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ win – win?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Đây là một câu hỏi khó tìm ra được câu trả lời. Như tôi vừa nói, trước tiên, báo chí cần có những thay đổi về mô hình vận hành để thích ứng trước những biến động của công nghệ và mạng xã hội để vận hành tốt và hiệu quả.
Mô hình vận hành phù hợp của báo chí là đưa tin đúng, chính xác, đáng tin cậy và tăng dần mức độ chuyên sâu. Chỉ có như vậy mới báo chí mới có được niềm tin từ độc giả, từ doanh nghiệp và cả từ chính phủ.
Bà Nguyễn Lan Anh: Với câu hỏi này thì cần phải nói thẳng thế này: Nếu Doanh nghiệp và báo chí cùng xác định lợi ích của mình cũng gắn với lợi ích chung của đất nước, của nhân dân, thì không bao giờ có những chuyện đáng buồn như câu hỏi vừa đặt ra. Một mối quan hệ trên cơ sở “đối tác” giữa Doanh nghiệp và báo chí sẽ luôn luôn dẫn đến kết quả win – win trong cả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp, lẫn nhiệm vụ truyền thông và cả kinh doanh của báo chí…
Mọi việc chỉ trở nên đáng buồn khi giữa các doanh nghiệp với nhau có sự cạnh tranh không lành mạnh, nảy sinh mâu thuẫn rồi dùng báo chí để phục vụ cho những mục đích cá nhân của mình.Ông Nguyễn Cảnh Bình: Đây là một câu hỏi khó tìm ra được câu trả lời. Như tôi vừa nói, trước tiên, báo chí cần có những thay đổi về mô hình vận hành để thích ứng trước những biến động của công nghệ và mạng xã hội để vận hành tốt và hiệu quả. Mô hình vận hành phù hợp của báo chí là đưa tin đúng, chính xác, đáng tin cậy và tăng dần mức độ chuyên sâu. Chỉ có như vậy mới báo chí mới có được niềm tin từ độc giả, từ doanh nghiệp và cả từ chính phủ.
"Mô hình vận hành phù hợp của báo chí là đưa tin đúng, chính xác, đáng tin cậy và tăng dần mức độ chuyên sâu. Chỉ có như vậy mới báo chí mới có được niềm tin từ độc giả, từ doanh nghiệp và cả từ chính phủ”.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, CEO Alphabook
Trong câu chuyện đó, anh này bị ảnh hưởng, thì ắt sẽ có anh khác được hưởng lợi. Tất nhiên nói như vậy cũng không loại trừ trường hợp một số cơ quan báo chí vì lý do này hay lý do khác mà tự biến mình thành công cụ của người khác để rơi vào sai phạm… Tất cả những chuyện ấy, nói cho cùng, cũng đều xuất phát từ lợi ích, từ chuyện thắng thua, được mất giữa các doanh nghiệp với nhau, báo chí trong trường hợp này chỉ có vai trò xúc tác. Chính vì vậy mà trở lại ý kiến ban đầu, muốn mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp thực sự là một mối quan hệ win – win thì ngay từ đầu, các doanh nghiệp cần phải có một mục tiêu phát triển hết sức trong sáng và lành mạnh
Vận động chính sách đã được đánh giá một cách đúng mức tại Việt Nam và báo chí được coi là một trong những kênh vận động chính sách hiệu quả nhất. Quan điểm của các ông bà về vấn đề này? Các DN được hưởng lợi gì từ kênh vận động chính sách này?
Ông Nguyễn Minh Đức: Có thể các doanh nghiệp đã được hưởng lợi nhiều từ vận động chính sách thông qua báo chí, nhất là các chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, chính sách thuế, hải quan… Nhưng chúng ta không thể loại trừ có những vận động chính sách (thông qua báo chí) vì lợi ích nhóm. Do đó, chính bản thân báo chí và các tòa soạn báo cần phải tỉnh táo với những thông tin loại này. Tôi cho rằng, đã đến lúc nhà nước cần phải ban hành văn bản pháp lý quy định công khai, minh bạch về vấn đề này.
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Tôi thấy mừng khi việc vận động chính sách đang dần dần được hiện thực hóa và công khai hóa. Đó là một kết quả và xu hướng đúng, tất yếu và sẽ tiếp tục mạnh lên trong thời gian tới. Các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều từ những chính sách và quyết định đúng đắn của chính phủ. Những quyết định của chính phủ và cả địa phương không thể biệt lập trước những nhu cầu, lợi ích của doanh nghiệp nhưng cũng không thể chỉ hoàn toàn dựa trên những lợi ích và nhu cầu của doanh nghiệp. Quyết định đúng đắn của chính phủ phải cân bằng và dựa trên lợi ích, nhu cầu của cả 2 thành phần chính là doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, mảng vận động cân bằng và đối trọng với doanh nghiệp để bảo vệ người dân chưa mạnh mẽ.
"Điều quan trọng nhất trong thời gian qua là, báo chí đã phản ánh được ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, phát hiện những bất cập về chính sách, phản biện chính sách để xây dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập báo Kinh tế Đô thị
Bà Nguyễn Lan Anh: Đúng là thời gian vừa rồi, thông qua một loạt những cải tiến phương thức làm việc của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chúng ta dễ dàng nhận thấy những quyết tâm đổi mới toàn diện của dất nước. Chính phủ thì quyết tâm trở thành một Chính phủ kiến tạo, đồng hành với doanh nghiệp, Quốc hội thì đang chuyển dần từ tham luận sang tranh luận, ý kiến của nhân dân và các tổ chức xã hội ngày càng được lắng nghe…
Sự cởi mở, thẳng thắn và minh bạch trong mối quan hệ giữa Doanh nghiệp, giữa nhân dân, giữa các tổ chức xã hội với Nhà nước, Chính phủ… đã tạo ra được một cơ chế mang tinh thần đối thoại lành mạnh trong công tác lập pháp mà bạn gọi là Vận động chính sách, mà báo chí là một kênh thông tin cần thiết.
Trong một xã hội như vậy thì không chỉ Doanh nghiệp mà tất cả nhân dân đều được hưởng lợi và báo chí, truyền thông thực sự là chiếc cầu nối hai chiều giữa Doanh nghiệp, nhân dân với Nhà nước. Các Doanh nghiệp hoàn toàn có thể coi và sử dụng báo chí như một kênh thông tin chính thức để phản ánh các vấn đề của mình một cách thẳng thắn và kịp thời tới các cơ quan lập pháp để góp ý, xây dựng, hình thành nên những cơ chế cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Thế nhưng đừng quên rằng trong hoạt động vận động chính sách này, chức năng của báo chí chỉ có thể là một con thuyền năng nổ và đáng tin cậy, còn chở gì trên con thuyền đó để có hiệu quả, để “doanh nghiệp được hưởng lợi” như câu hỏi của bạn đặt ra, thì còn tùy thuộc rất nhiều vào sự quý giá của sản phẩm, phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của bạn nữa.
Xin cảm ơn các ông, bà về những chia sẻ này.
>> Báo chí: Minh bạch và xác tín