Từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động xây dựng lộ trình triển khai và áp dụng Basel II đối với hệ thống ngân hàng thương mại, trong đó có việc lựa chọn 10 ngân hàng thương mại thí điểm áp dụng Basel II.
Theo quy định tại Thông tư 41, áp dụng Basel II là yêu cầu tất yếu đối với các ngân hàng thương mại. Kể từ 1/1/2020, các ngân hàng phải chính thức áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.
Chuẩn hoá hoạt động
Từ bài học kinh nghiệm của các cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới, việc tăng cường năng lực quản trị rủi ro và khả năng tài chính là giải pháp tối ưu để các ngân hàng thương mại trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính.
Khi áp dụng các chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II, các ngân hàng tuân thủ các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để hội nhập thành công. Theo đó, Uỷ ban Basel đã đề xuất khung đo lường với 3 trụ cột chính cho phiên bản 2 (Basel II).
Trụ cột đầu tiên là tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu (CAR) vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro như Basel I, nhưng rủi ro được tính toán theo ba yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt: rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động) và rủi ro thị trường.
Trụ cột thứ 2 là cung cấp khung giải pháp cho các rủi ro mà ngân hàng đối mặt như rủi ro hệ thống, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, rủi ro thanh khoản và rủi ro pháp lý, mà Hiệp ước tổng hợp lại dưới cái tên rủi ro còn lại (residual risk).
Trụ cột thứ 3 sử dụng hiệu quả của việc công bố thông tin, theo đó các ngân hàng cần phải công khai thông tin. Cụ thể, các ngân hàng cần phải công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường và Basel II đưa ra một danh sách các yêu cầu buộc các ngân hàng phải công khai thông tin, từ những thông tin về cơ cấu vốn, mức độ đầy đủ vốn đến những thông tin liên quan đến mức độ nhạy cảm của ngân hàng với rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành và quy trình đánh giá của ngân hàng đối với từng loại rủi ro này.
Kể từ tháng 2/2016, 10 ngân hàng đã được NHNN chỉ định thực hiện thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II đó là các ngân hàng BIDV,Vietinbank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, MSB, Sacombank và VIB.
Theo quan điểm của NHNN, việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II đối với 10 ngân hàng lớn nhất sẽ khiến các ngân hàng này phải cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng cho vay và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn.
Tính đến thời điểm giữa tháng 12/2019, đã có 18 ngân hàng "về đích" bao gồm Vietcombank, OCB, VIB, MBBank, VPBank, Techcombank, TPBank, ACB, MSB, HDBank, Shinhan Bank, Viet Capital Bank, SeABank, VietBank, LienVietPostBank, Nam A Bank,Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và mới nhất là BIDV.
Thực tế, Basel II là thông lệ tốt nhất trong quản trị rủi ro của ngân hàng tại Việt Nam bởi ngay trong giai đoạn chuẩn bị, triển khai áp dụng điều kiện tiên quyết của các ngân hàng là phải có thông tin đầy đủ và dữ liệu "sạch".
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB, khi áp dụng các chuẩn mực Basel II, ngân hàng không chỉ đo lường được rủi ro đơn lẻ của một khoản vay, một giao dịch, một khoản đầu tư mà có thể nhìn thấy được tổng thể từng doanh mục, phân khúc mà ngân hàng kinh doanh.
Mặt khác, khi có dữ liệu sạch, có hệ thống chuẩn mực ngân hàng có thể tối ưu hoá kết quả kinh doanh trên rủi ro.
Lợi nhuận luỹ tiến
Dưới góc nhìn của chuyên giam Ts. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, Basell II không chỉ giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro, sử dụng tốt nhất nguồn vốn mà còn giảm đáng kể thiệt hại do các biến động của nền kinh tế gây ra.
Hơn hết, càng về đích Basel II sớm sẽ càng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Nguyên nhân là bởi tiêu chí để các ngân hàng áp dụng khung quản trị rủi ro Basel II tương đối khắt khe, từ hành lang pháp lý, cơ sở dữ liệu, đến các vấn đề về chỉ số an toàn vốn…
Ngoài ra, đạt chuẩn Basel II sớm cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ nhận được "kim bài" về tăng trưởng tín dụng.Trong năm 2019, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng với mức cao nhất là 13%.
Tuy nhiên, đối với các ngân hàng đạt chuẩn Basel II sớm đã được cấp thêm quota tăng trưởng từ 13% lên 17%. Nhờ món quà của NHNN, các ngân hàng có thêm dư địa phát triển và mang về lợi nhuận cao hơn bởi dù có nhiều khoản thu nhập nhưng lợi nhuận của ngân hàng vẫn đến từu tín dụng là chính.
Thực tế cho thấy, là một ngân hàng chủ động áp dụng Basel II, đến cuối năm 2017, OCB đã chính thức được NHNN công nhận đã hoàn tất Basel II. Và nếu theo dõi tình hình kinh của OCB có thể thấy điều đó, năm sau luôn cao hơn năm trước.
Cụ thể, năm 2017, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 1.022 tỷ đồng, tăng trưởng 111% so với năm 2016 nhưng đến năm 2018 đã tăng trưởng vượt trội, ghi nhận 2.202 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với kết quả năm trước.
Cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất, 9 tháng năm 2019, OCB đạt 1.942 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 15,3% so với 9 tháng năm 2018, bằng 88,2% con số lợi nhuận trước thuế của cả năm 2018. Hiện CAR của OCB tính đến tháng 9/2019 là 11,43%.
Cuối tháng 11/2018, chuẩn Basel II cũng đã gọi tên Vietcombank và VIB. Nhìn lại bức tranh hoạt động của hai nhà băng này đã cho thấy việc đầu tư bài bản và áp dụng các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp cũng như rủi ro đã mang về kết quả kinh doanh vượt trội.
Hiện, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Vietcombank và VIB đang bỏ xa các ngân hàng còn lại với 26%, cao hơn gần 70% so với mặt bằng chung của toàn ngành.
Theo số liệu của các ngân hàng tại kỳ báo cáo quý III/2019 cũng như số liệu được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu đang "gửi" tại VAMC) của toàn hệ thống ở mức 4,8% trong khi đó của Vietcombank chỉ 1,1% và VIB là 1,7%.
Theo quy định của Basel II, hệ số CAR của các ngân hàng phải ở mức tối thiểu 8%, thì ở Vietcombank và VIB đều ở mức trên 9% - cao hơn nhiều so với quy định.
Đặc biệt, Vietcombank còn liên tiếp nâng cao các "kỷ lục" về lợi nhuận. Trong 9 tháng năm 2019, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng đạt 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng và hoàn thành 85,4% kế hoạch năm 2019.
Trước đó, năm 2018, Vietcombank cũng khẳng định vị thế với con số lợi nhuận đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 60% so với năm 2017 và gần gấp 3 lần so với quy mô lợi nhuận năm 2015.
Nhìn chung, lợi ích mà Basel II mang lại các ngân hàng đã áp dụng là không thể bàn cãi tuy nhiên để triển khai thành công tiêu chuẩn quốc tế này trên toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức.
Việc đầu tư cho Basel II và tiến tới là Basel III cần được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản. Dự kiến lộ trình này sẽ được thực hiện không dưới 8 năm, với một lượng chi phí đáng kể nhưng đổi lại, sẽ mang lại cho các ngân hàng một hiệu quả kinh doanh bền vững.