Bí mật khách hàng VIP gửi tiền, ăn lãi nghìn tỷ

Từ các vụ án ngân hàng gần đây, đã hé lộ chuyện hậu trường huy động vốn hàng chục nghìn tỷ từ nhóm khách hàng VIP là tổ chức tín dụng, doanh nhân nổi tiếng…. Chi phí chăm sóc, trả chênh lãi suất lên t
Bí mật khách hàng VIP gửi tiền, ăn lãi nghìn tỷ

Việc xét xử đại án xảy ra ngân hàng Xây dựng- VNCB (nay là CBBank) đang bóc dần đưa ra ánh sáng những phi vụ gửi tiền- cho vay sai phạm của nguyên chủ tịch HĐQT Phạm Công Danh và các đồng phạm.

“Thêm” lãi suất 2-4%

Tâm điểm là hoạt động giao dịch gửi tiền- vay tiền của nhóm Trần Ngọc Bích (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) và các thành viên với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng, qua đó Phạm Công Danh đã rút ruột gần 5.190 tỷ đồng của VNCB nhằm “đảo nợ”, chi tiêu…

Theo lời khai của Hoàng Đình Quyết – cựu Phó giám đốc Phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn, nhóm Trần Ngọc Bích là khách hàng VIP đã gửi tiền vào ngân hàng Đại Tín- TrustBank vào khoảng tháng 7-8/2012 (thông qua người giới thiệu là Phạm Thị Trang, tức Trang phố núi).

Về mặt pháp lý, ngân hàng TrustBank lúc đó chưa đổi tên thành ngân hàng Xây dựng- VNCB, nhưng thực tế Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát và giữ vị trí Tổng Giám đốc (sau khi mua lại 84% cổ phần TrustBank). Do Phạm Công Danh chỉ đạo đây là “khách hàng ưu tiên”, gửi tiền lớn nên nhóm Trần Ngọc Bích được trả lãi suất “hậu hĩnh” thêm 2-4% ngoài mức lãi suất trần ngân hàng quy định…

Chính sách chăm sóc đặc biệt này là do thời điểm đó, VNCB huy động vốn khó khăn, khách hàng gửi tiền ít, không lớn, rơi vào tình trạng “đói” thanh khoản trầm trọng. Biết việc “đi đêm” lãi suất vượt trần là sai, song Phạm Công Danh vẫn chỉ đạo thực hiện và khai nhận đã phải trả lãi vượt trần ngoài hợp đồng cho nhóm Trần Ngọc Bích khoảng 2.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ thu thập được một số chứng từ tập đoàn Thiên Thanh trả cho nhóm Bích hơn 730,5 tỷ đồng, không thể hiện rõ ràng việc thỏa thuận, chi lãi ngoài mà chỉ là giấy chuyển tiền hoặc giấy viết tay nhận tiền nên không có cơ sở kết luận việc chi lãi ngoài là bao nhiêu. Nhóm bà Bích đang yêu cầu VNCB trả lại 124 sổ tiết kiệm với số tiền 5.881 tỷ đồng gửi tại ngân hàng đã bị điều chuyển đi “mất hút”.

Những chuyện hậu trường huy động vốn, trả chênh lãi suất cao của ngân hàng cũng được hé lộ trong đại án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên cán bộ của Vietinbank chi nhánh Tp.HCM. Trước đây, để giải phóng nguồn vốn dư thừa và bù đắp chi phí huy động vốn, hàng chục ngân hàng đã gửi tiền vào chi nhánh của Huyền Như.

Mức lãi suất mà Huyền Như đưa ra để “câu” khách hàng VIP này là chênh lệch 5-5,5%/năm ngoài lãi niêm yết 14%. Lãi suất hấp dẫn lập tức hút được lượng tiền gửi rất lớn. Đơn cử: ngân hàng Nam Việt (NaviBank) uỷ thác cho 14 nhân viên đem gửi 1.543 tỷ đồng với lãi suất tới 22%/năm và bị Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng.

Tương tự, 19 nhân viên của ngân hàng Á Châu (ACB) đem gửi gần 719 tỷ đồng với lãi suất 18,5%/năm theo thỏa thuận và bị Huyền Như chiếm đoạt toàn bộ… Tổng số tiền huy động từ những khách VIP rất lớn, do quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm soát nên tạo cơ hội cho Huyền Như chiếm đoạt hơn 3.900 tỷ đồng. Đây là bài học đắt giá cho những ngân hàng dư vốn, ham “ăn chênh” lãi suất cao.

“Kỹ nghệ” rút ruột ngân hàng

Trở lại vụ án tại VNCB, có lẽ nhóm Trần Ngọc Bích cùng nhiều khách VIP gửi tiền vào ngân hàng đã thu lợi nhuận “khủng” một cách trót lọt nếu không “dính” vào những phi vụ làm ăn phạm pháp của Phạm Công Danh. Sau 4 tháng gửi tiền, đến tháng 12/2012, nhóm Trần Ngọc Bích bắt đầu vay tiền ngân hàng bằng việc cầm cố sổ tiết kiệm, với thời gian vay ngắn hạn.

Phạm Công Danh đã chỉ đạo thuộc cấp lập hồ sơ tín dụng, cho vay tiền, giải ngân và chuyển vào tài khoản của Trần Ngọc Bích mở tại VNCB Chi nhánh Sài Gòn. Hai bên đã thực hiện 16 lần giao dịch với 122 khoản vay cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích, với tổng số tiền VNCB đã giải ngân là 17.761,5 tỷ đồng.

Trong đó, có 16.260,5 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản của Phạm Công Danh. Tiền được Danh dùng trả nợ cho Nhóm Phú Mỹ (2.079,606 tỷ đồng), chuyển lại cho nhóm Trần Ngọc Bích (9.608,873 tỷ đồng để tất toán nợ vay). Còn lại 4.572,021 tỷ đồng được Danh chuyển qua nhiều tài khoản của Danh (các cá nhân và công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh) để trả nợ, đảo nợ, chi chăm sóc khách hàng và sử dụng cá nhân… gây thất thoát vốn.

Có thể thấy, những giao dịch với nhóm khách VIP này đã bị buông lỏng kiểm soát, không có cảnh báo rủi ro dù VNCB đang bị kiểm soát, giám sát bởi Ngân hàng Nhà nước. Dẫn chứng là quá trình VNCB giải ngân chóng vánh tới 17.761 tỷ đồng cho nhóm Trần Ngọc Bích, điều chuyển tiền trên tài khoản mà không đủ chứng từ, thủ tục, chữ ký…

Hơn nữa, tiền đã không được sử dụng đúng mục đích vay ban đầu, mà điều chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản, cuối cùng “chảy” vào túi Danh. Hậu quả là ngân hàng bị thiệt hại mất vốn, chưa rõ khả năng thu hồi. Lâu nay, hoạt động cho vay vốn bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm diễn ra phổ biến nhằm đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho khách hàng, mà không cần chứng minh tài chính, tài sản, nguồn thu trả nợ…

Sự tiện lợi của những khoản vay “siêu nhanh” này cũng tạo kẽ hở cho tội phạm “chế biến” hồ sơ, hợp thức hoá khoản vay nhằm rút tiền ngân hàng, chiếm đoạt tài sản, gây ra nợ xấu lớn.

Theo Hải Hà/TBKD

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...