UBND tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương quan tâm đưa dự án điện gió ngoài khơi có tổng mức đầu tư 4,6 tỷ USD của Tập đoàn PNE (CHLB Đức) vào quy hoạch điện VIII, đồng thời cho phép dự án được triển khai tại tỉnh này.
Cụ thể, theo lãnh đạo tỉnh, hiện nay Bình Định đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thời gian tới với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8,5% - 9%. Trong thời gian qua, tỉnh đã tổ chức mời gọi, tiến hành khảo sát, lập thủ tục đầu tư một số dự án đầu tư có quy mô lớn, dự kiến là động lực chính góp phần tăng trưởng kinh tế cho tỉnh thời gian tới.
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đề nghị trung ương quan tâm đưa dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE vào quy hoạch điện VIII và cho phép dự án được triển khai tại tỉnh Bình Định. Dự án có tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư 4,6 tỷ USD.
Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sớm có hướng dẫn, giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc chấp thuận khu vực biển để các đơn vị thực hiện khảo sát, nghiên cứu tiềm năng điện gió ngoài khơi theo như Báo cáo số 126/BC-BTNMT ngày 04/10/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trước đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức tại tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay trên địa bàn tỉnh hiện nay có 7 dự án điện mặt trời, tổng công suất 529,5 MWp (đã vận hành phát điện 415,5 MWp); 4 dự án điện gió, tổng công suất 111MW (đã vận hành phát điện 81 MW).
UBND tỉnh Bình Định đang kiến nghị bổ sung vào quy hoạch 18 dự án điện mặt trời (1.169MWp) và 11 dự án điện gió (6.174,5MW).
"Trong đó, Tập đoàn PNE đang nghiên cứu đầu tư điện gió ngoài khơi với công suất dự kiến là 2.000MW, với vốn đầu tư 4,6 tỷ USD, nếu dự án này được triển khai thì đóng góp rất lớn cho sản lượng điện của cả nước và khu vực, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định", ông Tuấn cho hay.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án có tổng công suất 2.000 MW, được chia làm 3 giai đoạn đầu tư. Cụ thể, giai đoạn thí điểm, công suất 700 MW, dự kiến vận hành năm 2025; giai đoạn mở rộng 1, công suất 700 MW, dự kiến vận hành năm 2026; giai đoạn mở rộng 2, công suất 600 MW, dự kiến vận hành năm 2027.
Dự án đã được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển thuộc địa bàn các huyện Phù Cát và Phù Mỹ.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị trung ương quan tâm, hỗ trợ trong công tác thẩm định và các vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền của trung ương đối với dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn của Tập đoàn Long Sơn.
Được biết, dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn có công suất 5,4 triệu tấn/năm, tổng vốn đăng ký 56.257 tỷ đồng gắn với cảng chuyên dùng tại thị xã Hoài Nhơn.