Ngày 29/9, Công ty TNHH ILD Coffee Việt Nam đã tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất cà phê hòa tan bằng công nghệ sấy lạnh với tổng vốn đầu tư hơn 84 triệu USD (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng).
Nhà máy ILD Coffee Việt Nam đặt tại Khu công nghiệp Quốc tế Protrade (Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), có công suất 5.600 tấn cà phê hòa tan sấy lạnh mỗi năm. 100% sản phẩm của nhà máy sẽ được xuất khẩu sang chủ yếu hai thị trường chính là châu Á và châu Âu.
“Nhu cầu cà phê hòa tan ngày càng tăng trên toàn cầu, đặc biệt là phân khúc cà phê hòa tan sấy lạnh cao cấp. Việc liên doanh với Instanta sẽ hỗ trợ chiến lược đa dạng hóa toàn cầu của LDC thông qua việc cung cấp nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng hơn đến khách hàng”, ông Ben Clarkson, Giám đốc ngành hàng cà phê toàn cầu của LDG nhận định và cho biết: Nhà máy ILD Coffee Việt Nam sẽ cung cấp các sản phẩm cà phê hòa tan đặc biệt với công thức được điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng tại các thị trường.
Theo ông Ben Clarkson, việc đầu tư nhà máy tại Việt Nam cũng bổ trợ cho hoạt động kinh doanh cà phê nhân xanh Robusta toàn cầu hiện tại của LDC, đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Hiện nguồn cung cà phê cho Nhà máy ILD Coffee Việt Nam chủ yếu từ khu vực Tây Nguyên.
“Chúng tôi hiện đang liên kết trồng và thu mua với khoảng 6.000 hộ trồng cà phê tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng… Khi Nhà máy ILD Coffee Việt Nam đi vào hoạt động, tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu để đảm bảo cho nhu cầu sản xuất”, ông Ben Clarkson chia sẻ.
Ông này cũng khẳng định, liên doanh tuân thủ cao nhất các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, môi trường và trách nhiệm xã hội đối với việc sản xuất, vận hành nhà máy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Dành nêu quan điểm rằng, nhà máy ILD Coffee Việt Nam là kết quả của chính sách kêu gọi và thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương, một lần nữa chứng minh, với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ông Dành cho biết thêm, trong 9 tháng năm 2023, Bình Dương đã thu hút gần 1,3 tỷ đô la Mỹ với 84 dự án mới, 31 dự án điều chỉnh tăng vốn và 95 dự án góp vốn mua cổ phần.
Lũy kế đến ngày 15/9/2023, Bình Dương có 4.166 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40,2 tỷ đô la Mỹ. Bình Dương hiện đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP.HCM.
“Bình Dương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư tại Bình Dương nói chung và Công ty TNHH ILD Coffee Việt Nam nói riêng hoạt động hiệu quả trong quá trình sản xuất, kinh doanh”, ông Dành khẳng định.
Về tiềm năng thị trường cafe tại Việt Nam, mặc dù trải qua các lần bùng phát dịch Covid-19 nhưng số lượng các nhà hàng vẫn tăng trưởng đều. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng/cafe.
Đồng thời, theo số liệu thống kê của Euromonitor, quy mô thị trường cà phê Việt Nam đạt hơn 10,845 tỷ đồng vào năm 2022. Ngành cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn dự báo với tốc độ tăng trưởng CAGR là 7.9%, thị trường dự kiến đạt 11,779 tỷ đồng vào 2023, hướng tới 15,837 tỷ đồng vào năm 2027.
Đây cũng là động lực khiến nhiều doanh nghiệp mạnh tay đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng này.
Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và với hiện trạng dân số đang tăng nhanh, đặc biệt là dân số trẻ với văn hóa cà phê nở rộ, thị trường cà phê Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển to lớn với các yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ thúc đẩy thị trường.