Bịt lỗ hổng thất thoát tài sản công tại dự án đổi đất lấy hạ tầng

Sau gần hai năm gần như "đóng băng" hoạt động đầu tư, Nghị định mới quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT đã được Chính phủ ban hành với kỳ vọng sẽ hạn chế được thất
Bịt lỗ hổng thất thoát tài sản công tại dự án đổi đất lấy hạ tầng

Dự án xây dựng công trình hạ tầng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao, hay dự án BT, được coi là giải pháp huy động vốn ngoài ngân sách để hoàn thiện, kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường huyết mạch, đặc biệt ở Hà Nội và TP. HCM xây dựng theo hình thức này đã cải thiện đáng kể diện mạo đô thị.

Khi thi công dự án hạ tầng giao thông hoặc môi trường theo hình thức BT, nhà đầu tư được giao đất để thực hiện dự án khác, tức là xây hạ tầng đổi lấy đất để xây khu đô thị hoặc nhà ở. 

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã quyết định tạm dừng việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT cho đến khi có nghị định của Chính phủ. Cũng từ đó, việc đầu tư các dự án BT hoặc dùng quỹ đất để thanh toán cho các dự án BT gần như "đóng băng".

Nguyên nhân tạm dừng là do khoảng trống pháp lý của hình thức đầu tư đổi đất lấy hạ tầng dẫn đến nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước.

Kết quả kiểm toán bảy dự án BT của Kiểm toán Nhà nước công bố tại cuộc họp báo đầu tháng 7/2019 cho thấy việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai.

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT, đồng thời xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường, làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện. Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước. 

Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán.

Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT. Song nút thắt "xác định giá trị dự án để giao đất" vẫn chưa được tháo gỡ mà đây chỉ là giải pháp "tình thế" cho các dự án hợp đồng BT phù hợp với quy định của pháp luật được tiếp tục thực hiện thanh toán theo quy định.

Hết cửa chỉ định thầu dự án BT

Trước nhiều vướng mắc trong việc thực hiện dự án BT khiến các dự án này bị tạm dừng trong suốt một thời gian dài, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT. Nhiều quy định mới trong nghị định này đã phần nào giải quyết những bất cập trong việc triển khai dự án BT.

Theo đó, Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, ngân sách Nhà nước, đầu tư, xây dựng. 

Nghị định mới sẽ chấm dứt tình trạng chỉ định thầu, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT sẽ được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu. 

Quy định này đã "chặn đứng" thực tế hầu hết các dự án BT thực hiện chỉ định thầu thời gian vừa qua là kẽ hở gây thất thoát lãng phí như thông tin đã được nêu trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Tại buổi họp báo chuyên đề về Nghị định số 69 của Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc đấu thầu dự án BT rộng rãi sẽ giúp tìm được nhà đầu tư tốt nhất xây dựng công trình với chi phí thấp nhất, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chấm dứt tình trạng chỉ định thầu dự án BT.

Nghị định mới cũng khắc phục triệt để các sai phạm trong việc sử dụng đất công để đổi lấy hạ tầng. Theo đó, việc thanh toán dự án BT phải tôn trọng theo nguyên tắc thị trường. Việc sử dụng đất và các tài sản công khác để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải đảm bảo nguyên tắc ngang giá, tức là giá trị dự án tương đương với giá trị tài sản công thanh toán.

Ông Thịnh lấy ví dụ, dự án BT có giá 200 tỉ đồng, nhà đầu tư sẽ chỉ được giao lô đất trị giá 200 tỉ đồng chứ không thể là miếng đất 2.000 tỉ đồng. Trong trường hợp giá trị mảnh đất cao hơn giá trị công trình, nhà đầu tư phải trả phần chênh lệch bằng tiền mặt cho ngân sách. Trong trường hợp giá trị mảnh đất thấp hơn giá trị công trình, ngân sách sẽ bù tiền cho nhà đầu tư.

Mặt khác, thời gian thanh toán cho các dự án BT cũng được quy định chặt chẽ, nhằm ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư đã nhận đất hoặc tài sản thanh toán nhưng chậm bàn giao công trình. Nhà nước sẽ giao tài sản công là đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT sau khi dự án BT hoàn thành hoặc thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.

Thời điểm thanh toán dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở làm việc, tức đất sạch, là thời điểm UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư. Còn thời điểm thanh toán dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác là thời điểm cơ quan nhà nước ban hành quyết định giao tài sản cho nhà đầu tư.

Thời điểm thanh toán dự án là một vấn đề vốn gây ra rất nhiều tranh cãi trước đây. Trước khi có quy định này, có nhà đầu tư chỉ tập trung lấy đất để kinh doanh dự án bất động sản còn dự án hạ tầng thì chỉ hứa hẹn mà không biết lúc nào mới hoàn thành.

"Khi Nghị định 69 có hiệu lực sẽ không còn cảnh hứa hẹn suông này nữa. Với quy trình rất rõ về việc sử dụng đất trong quy định mới, nhà đầu tư khó có thể đưa đất ra thị trường kinh doanh mà chưa triển khai xây dựng dự án hoặc chưa có phương án tài chính và kế hoạch đầu tư rất rõ ràng", ông Thịnh cho hay.

Bên cạnh đó, Nghị định mới của Chính phủ cũng mở rộng loại hình thanh toán đối với các dự án BT, không chỉ thanh toán cho các dự án bằng quỹ đất mà còn các công sản khác như nhà và tài sản khác gắn liền với đất, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, các loại tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nghị định có hiệu lực từ 1/10/2019. Theo Bộ Tài chính, từ sau thời điểm này, việc sử dụng đất sạch thanh toán dự án BT phải được Thủ tướng đồng ý. Theo ông Thịnh, đất sạch tức đất đã giải phóng mặt bằng, đền bù và trụ sở làm việc của cơ quan nếu được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư BT thì phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận thay vì quy định trước đây là của UBND cấp tỉnh.

Việc trả miếng đất ngoài cánh đồng cho chủ đầu tư dự án BT để sau này phát triển thành đô thị cũng phải tuân thủ quy trình pháp luật về đất đai theo trình tự, tổ chức phê duyệt phương án bồi thường.

Khu đất thanh toán cho dự án BT phải có quy hoạch cụ thể với bao nhiêu diện tích đất sẽ làm đường, cây xanh. Cách xác định giá trị đất cũng là theo giá thị trường với mục đích sử dụng mới chứ không phải đất ruộng. Điều này sẽ hạn chế việc thất thoát ngân sách do các khu đất trước khi được giao làm đất đối ứng cho các chủ đầu tư dự án BT hầu hết là đất nông nghiệp giá trị rất thấp nhưng sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở, giá trị đất sẽ tăng lên rất nhiều lần, vị lãnh đạo này khẳng định.

Đối với các dự án BT chuyển tiếp, Nghị định quy định, các hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đã được ký kết theo đúng quy định pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng BT trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thanh việc thanh toán cho nhà đầu tư thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung hợp đồng đã ký kết.

Tuy nhiên, đối với các dự án mà nội dung liên quan đến việc thanh toán chưa được quy định rõ trong hợp đồng BT và các hợp đồng BT được ký kết từ ngày 1/1/2018 đến trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành thì vẫn phải áp dụng các quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Xây dựng 2014, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và pháp luật liên quan có hiệu lực tại thời điểm thanh toán, trong đó có Nghị định 69 của Chính phủ.

Theo An Chi/TheLEADER

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…