Bitcoin - cần có các khu vực thử nghiệm

Vấn đề quan ngại của các cơ quan quản lý là tiền mật mã tạo điều kiện cho các hoạt động như rửa tiền, tài trợ cho các hoạt động khủng bố, hay giao dịch của các hoạt động phi pháp như buôn lậu.
Bitcoin - cần có các khu vực thử nghiệm

Sau khi Đại học FPT cho biết có thể chấp nhận thu học phí bằng bitcoin đối với sinh viên nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã một lần nữa khẳng định bitcoin và các loại tiền mật mã (crypto currency) khác không được chấp nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, theo Nghị định 80/2016 về thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra thì chuyện cấm hy vọng chỉ là tạm thời.

Tính đa dụng của bitcoin - tiền mật mã

Hiện nay, bitcoin - tiền mật mã không chỉ là phương tiện thanh toán ở nhiều nơi mà còn được xem là một loại hàng hóa để đầu tư hay đầu cơ. Đến thời điểm này, trên thế giới có khoảng 900 loại tiền mật mã với giá trị vốn hóa khoảng 160 tỉ đô la Mỹ (riêng bitcoin đã xấp xỉ 102 tỉ đô la).

Không những thế, những đợt phát hành tiền mật mã lần đầu ra công chúng (Initial Coin Offerings - ICOs) cho thấy đây dường như là những cổ phiếu với những đặc trưng về kỳ vọng giá và cổ tức. Việc quản lý giám sát bitcoin-tiền mật mã vì vậy cũng khiến cho nhiều chính phủ đau đầu vì không biết xếp chúng vào loại nào và do cơ quan nào quản lý.

Dù việc quản lý giám sát được giao cho ủy ban chứng khoán, hay cơ quan giám sát các dịch vụ tài chính, hay ngân hàng trung ương, thì mục đích chính vẫn là để đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động phi pháp có liên quan đến tiền mật mã, cũng như đảm bảo tiền mật mã thực hiện đúng các chức năng của chúng. Vấn đề quan ngại của các cơ quan quản lý là tiền mật mã tạo điều kiện cho các hoạt động như rửa tiền, tài trợ cho các hoạt động khủng bố, hay giao dịch của các hoạt động phi pháp như buôn lậu. Vì không như các giao dịch tài chính, ngân hàng khác, các chuẩn mực về nắm thông tin khách hàng - KYC (Know Your Customer) hay chống rửa tiền - AML (Anti Money Laundering), hiện nay không thể kiểm soát được qua các giao dịch của tiền mật mã.   

Quản lý, giám sát bitcoin-tiền mật mã nên như thế nào?

Bitcoin - tiền mật mã được nhiều nước thừa nhận ở các mức độ khác nhau. Việc sở hữu, mua bán được cho là hợp pháp ở các nước này, ngoại trừ một số nước không chấp nhận đó là phương tiện thanh toán, trong đó có Việt Nam. Các hoạt động ICOs ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí bị cấm ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Tuy vậy, xu hướng sử dụng tiền mật mã là rất rõ ràng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ blockchain và “thị hiếu” phi tập trung hóa của nhóm dân số thiên niên kỷ (những người sinh ra từ những năm 2000) đang và sẽ chiếm ưu thế trên thế giới. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, việc quản lý giám sát bitcoin - tiền mật mã nên thực hiện khi tiền mật mã được chuyển sang hay chuyển từ một đơn vị tiền tệ cụ thể (tiền fiat). Chẳng hạn, một người đầu tư vào bitcoin, sau một thời gian bitcoin lên giá thì lợi nhuận sẽ được tính vào thời điểm bitcoin của nhà đầu tư được quy đổi ra một loại tiền cụ thể, như đô la Mỹ chẳng hạn.

Nhưng một số chuyên gia khác, hay ngay cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại cho rằng bitcoin - tiền mật mã chưa thực sự phát triển “chín muồi” để cần có khung giám sát cụ thể. Điều cần làm là hình thành các khu vực thử nghiệm (sandbox) để thí điểm và lựa chọn ra các mô hình, các thành viên tham gia thị trường phù hợp, quan trọng nhất là tuân thủ các quy định về KYC/AML.

Việt Nam cũng đã chú ý và có những chuẩn bị nhất định để thích ứng với tiền mật mã khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo... vào ngày 21-8-2017. Các cơ quan như Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an đều được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tiền mật mã.

Dự kiến đến cuối năm 2020, Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo...

Hiện nay, bitcoin - tiền mật mã không được chấp nhận là phương tiện thanh toán ở Việt Nam vì chưa có khung pháp lý phù hợp. Nhưng thời hạn chuẩn bị so với xu hướng phát triển nhanh của công nghệ blockchain như hiện nay thì là quá lâu. Chính vì vậy, cần nhanh chóng có một số khu vực thử nghiệm để thí điểm và lựa chọn các mô hình, các nhân tố thành công, chuẩn bị là hình mẫu khi tiền mật mã được chấp thuận rộng rãi và phổ biến.

(*) Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, AVSE Global.

Theo TBKTSG

>> Giá Bitcoin xác nhận mức kỷ lục vượt 7.367 USD

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...