Blockchain được định nghĩa là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain góp phần quan trọng xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy và an toàn dữ liệu, góp phần tạo lập nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ số.
ĐỘNG LỰC CHIẾN LƯỢC CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI VIỆT NAM
Theo thống kê của Statista, thị trường blockchain toàn cầu có thể đạt 1.200 tỷ USD vào năm 2030, trong đó phần lớn đến từ các tài sản mã hoá và hoạt động liên quan.
Trên thế giới, công nghệ blockchain đang phát triển mạnh mẽ. Tại Trung Quốc, mạng lưới blockchain đang phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt tại Hồng Kông. Blockchain Trung Quốc đã phủ được tất cả 133 trung tâm dữ liệu trong nước và 8 trung tâm dữ liệu quốc tế.
Trong khi đó, châu Âu cũng thực sự phát triển blockchain từ năm 2018 và đã trải qua ba chu kỳ phát triển blockchain là chu kỳ đặt nền móng cho chính sách, triển khai và phát triển blockchain, bước tiến đáng chú ý là ban hành Đạo luật Thị trường Tài sản mã hóa (MiCA) năm 2023. Hiện khu vực này đang hướng đến xây dựng hệ thống định danh số toàn diện.
Tại Việt Nam, blockchain đã được xác định là công nghệ chiến lược. Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị (ban hành ngày 22/12/2024) và Chiến lược quốc gia về blockchain (Quyết định 1236/QĐ-TTg ngày 22/10/2024) đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu khu vực về blockchain vào năm 2030.
Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực, duy trì vận hành tối thiểu 3 trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về blockchain tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia.
Đồng thời, có đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á.
Để thực hiện mục tiêu này, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và các hội, hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp được giao nhiệm vụ phát triển các nền tảng chuỗi khối Make in Vietnam. Xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng chuỗi khối hoạt động trên hạ tầng chuỗi khối Việt Nam.
Tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng blockchain thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của công nghệ blockchain và tài sản số, Việt Nam cũng đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý. Luật Công nghiệp Công nghệ số và Nghị định của Chính phủ về khung pháp lý cho giao dịch tài sản mã hóa đang trong quá trình xây dựng và sẽ sớm được ban hành. Đây là nền tảng quan trọng giúp bảo đảm sự phát triển minh bạch, bền vững và an toàn cho lĩnh vực này tại Việt Nam.
Việc phát triển công nghệ blockchain nội địa không chỉ giúp Việt Nam làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, tiến tới không lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài mà còn góp phần đảm bảo chủ quyền số, an toàn thông tin và an ninh quốc gia trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình số hóa toàn diện.
CÒN NHIỀU THÁCH THỨC
Mặc dù blockchain đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam, đặc biệt trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, song việc triển khai công nghệ này vẫn gặp không ít thách thức. Những vấn đề như khung pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, hạ tầng chưa đồng bộ, nhận thức xã hội còn hạn chế và nguy cơ bảo mật là những rào cản lớn.
Chia sẻ với Tạp chí Thương gia, anh Đức Vũ, Founder của Hashwei Foundation cho biết, trong quá trình triển khai dự án Hashwei On - chain & Off – chain tham gia Vietchain Talents 2025, nhóm đã gặp khó khăn về vấn đề logic, đổi mới và phát triển (I&D), nhất là trong việc thu thập và phân tích hành vi người dùng để tối ưu hiệu suất dữ liệu.
Tại cùng cuộc thi, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Học viện Kỹ thuật quân sự) có hai đội thi với định hướng công nghệ khác nhau: Blockmarking tập trung vào giải pháp bảo vệ tài sản số, còn FinLayer phát triển nền tảng blockchain dành cho tài chính.
Mặc dù đã tích lũy được kinh nghiệm bước đầu trong nghiên cứu và phát triển, các đội thi vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực tiễn, đặc biệt là trong việc xác định mô hình công nghệ phù hợp và tối ưu hóa vận hành trong điều kiện hành lang pháp lý và hạ tầng công nghệ chưa hoàn chỉnh.
ThS. Nguyễn Thanh Hà, nghiên cứu viên tại Viện, trưởng nhóm của đội thi Blockmarking chia sẻ: “Tại Việt Nam, blockchain vẫn là một lĩnh vực công nghệ còn tương đối mới, đòi hỏi các nhóm nghiên cứu và phát triển phải liên tục cập nhật kiến thức từ các nguồn tài nguyên quốc tế. Trong quá trình triển khai, nhóm đã định hướng kết hợp các giải pháp công nghệ hiện có với những đặc tính ưu việt của blockchain, đặc biệt là tính bất biến và khả năng phân tán dữ liệu. Cách tiếp cận này giúp nâng cao độ tin cậy, minh bạch và an toàn trong việc ghi nhận và lưu trữ thông tin.”
Trên phương diện chính sách, Chiến lược quốc gia về blockchain đã nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng hệ sinh thái, thử nghiệm ứng dụng blockchain trong dịch vụ công như một bước đi đột phá để đổi mới quản trị nhà nước.
Các trường đại học và viện nghiên cứu được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn, góp phần hình thành lực lượng nhân sự có trình độ chuyên môn cao, thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực còn mới mẻ này.
Bổ sung cho định hướng chiến lược, Luật Công nghiệp Công nghệ số (71/2025/QH15) đã xác định blockchain là ngành ưu tiên phát triển, đồng thời thiết lập cơ chế sandbox công nghệ cho khu vực công nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách an toàn.
Luật cũng giao trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng ngành học blockchain, tiến tới chuẩn hóa đào tạo và cung ứng đội ngũ nhân lực có năng lực triển khai thực tế.
Những khó khăn như thiếu khung pháp lý, nhân lực, hạ tầng, tâm lý dè dặt và hạn chế nhận thức đã được ghi nhận trong hệ thống chính sách quốc gia. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu này, cần sự đồng bộ từ các hướng dẫn triển khai, các mô hình thí điểm thành công và nguồn lực tài chính phù hợp.
Trong đó, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và tổ chức khởi nghiệp cần được ưu tiên hỗ trợ về kinh phí, quyền tiếp cận sandbox công nghệ và cơ chế phối hợp hiệu quả với khu vực công, nhằm phát triển một hệ sinh thái blockchain vừa đổi mới, vừa an toàn và bền vững.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, blockchain là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao, trong khi Việt Nam vẫn thiếu hụt nhân sự có kiến thức sâu, kỹ năng phù hợp và sự đồng thuận từ cộng đồng vẫn còn thấp.
Việc phát triển nguồn nhân lực, thay đổi nhận thức xã hội và điều chỉnh cách tiếp cận của doanh nghiệp là một hành trình dài, đòi hỏi đầu tư bài bản và kiên trì. Chỉ khi xây dựng được đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nền tảng công nghệ hiện đại thì mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp quốc tế ngay trên sân nhà.
Ngoài ra, blockchain là công nghệ có tính phức tạp và nhạy cảm về bảo mật. Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào hệ thống an ninh mạng, quản trị rủi ro và duy trì tính ổn định để triển khai công nghệ này một cách an toàn, hiệu quả và bền vững trong thực tiễn.