
Ngày 22/7, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (LKYSPP) công bố báo cáo nghiên cứu "Tận dụng 5G để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi do AI dẫn dắt tại Asean: Những bắt buộc, góc nhìn chính sách và khuyến nghị" do giáo sư Vũ Minh Khương, giáo sư thực hành tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore chủ biên.
THÁCH THỨC TỪ PHỔ TẦN VÀ BÀI HỌC 5G TỪ VIỆT NAM
Tại phiên tọa đàm "Khai mở tương lai số của Asean: Yêu cầu cấp thiết từ 5G và Trí tuệ nhân tạo (AI)", bà Jeanette Whyte, Trưởng bộ phận Chính sách công và Đối ngoại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (GSMA) chia sẻ, phân tích của GSMA cho thấy chi phí phổ tần đã tăng 63% trong thập kỷ qua.
Hiện nay, chi phí này trung bình chiếm khoảng 7% doanh thu của các nhà mạng và hơn 25% ở một số thị trường. Mức giá cao như vậy có liên quan đến việc giảm vùng phủ sóng, tốc độ kết nối chậm hơn và làm suy yếu khả năng bao trùm số (digital inclusion).
Theo bà, bao trùm số rất quan trọng. Nếu nhìn vào khu vực Asean, thực tế có rất nhiều người vẫn chưa sử dụng dịch vụ di động hay kết nối Internet, dù họ đang sống trong vùng phủ sóng của các nhà mạng.
Đây là khoảng cách sử dụng và là một vấn đề đáng chú ý. Ngay cả ở Singapore, nơi có độ phủ sóng gần như 100%, vẫn có khoảng 7% dân số chưa thực sự sử dụng dịch vụ di động.
Do vậy, GSMA khuyến khích đặt trọng tâm nhiều hơn vào vai trò của các nhà mạng viễn thông như những nhân tố then chốt thúc đẩy AI có chủ quyền. Các nhà mạng cung cấp hạ tầng đáng tin cậy, khả năng kết nối sâu rộng đến từng khu vực và kinh nghiệm vận hành chuyên sâu. Tuy nhiên, họ thường bị bỏ qua trong các chiến lược AI quốc gia.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Việt Nam, giáo sư Vũ Minh Khương cho biết, thông qua các cuộc phỏng vấn, nhiều người chỉ sử dụng mạng 2G và điện thoại 2G. Khi Việt Nam ngừng cung cấp mạng 2G trong nước, chính phủ đã hỗ trợ người dân bằng cách cấp các khoản trợ cấp đáng kể để họ có thể mua điện thoại thông minh.
Điều then chốt ở đây là chi phí thiết bị và chi phí sử dụng dịch vụ phải hợp lý và phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, những người này thực sự đã trở thành những người tiếp cận và sử dụng 5G rất tốt. Họ đã chuyển từ vị thế bất lợi thành lợi thế.
Sự năng động và sôi nổi trong việc tiếp nhận trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam thực sự rất mạnh mẽ. Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu đã có một số chiến dịch ở cấp cơ sở để dạy AI cho người dân. Thậm chí làm việc cùng những người dân bình thường để họ có thể tiếp cận với AI, đặc biệt là với ChatGPT nhằm học hỏi thêm nhiều điều.
Trước đây, người dân thường gặp khó khăn với rào cản ngôn ngữ, nhưng hiện tại họ có thể sử dụng tiếng Việt để học hỏi và phát triển rất nhiều. Về hiệu quả và năng suất, rõ ràng AI giúp cải thiện một cách đáng kể. AI có thể hỗ trợ trong điện toán biên và nhiều lĩnh vực khác. Từ đó tạo ra giá trị ngay ở cấp độ nhà máy hay nông trại.
Giáo sư Khương cho rằng, tinh thần học hỏi và sự nhiệt tình với AI tại Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, với 5G thì có thể sẽ cần thêm thời gian để phát triển bởi việc hiểu rõ giá trị mà 5G mang lại cho việc thúc đẩy ứng dụng AI vẫn chưa thực sự vững chắc, ngay cả trong lĩnh vực viễn thông.
Mọi người có thấy được tầm quan trọng của 5G nhưng chưa nhìn nhận được đầy đủ. Vì vậy, quá trình này sẽ cần thời gian. Thông qua buổi tọa đàm, giáo sư Vũ Minh Khương cũng bày tỏ hy vọng Chính phủ có thể điều phối tốt nỗ lực này.
Về chiến lược, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp công nghệ quốc tế, nhà mạng trong nước, người dùng và doanh nghiệp để nhận diện các trường hợp sử dụng tiềm năng và khả thi về mặt thương mại.
Đồng thời, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính để thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp. Cần thuyết phục người dân rằng đây là một cơ hội rất lớn đang chờ được khai phá. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện.
ASEAN VÀ CƠ HỘI VÀNG TỪ 5G - AI
Nghiên cứu của giáo sư Vũ Minh Khương chỉ rõ cách Asean có thể tận dụng sự hội tụ giữa 5G và trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mang tính chuyển đổi. Đồng thời, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những chiến lược thiết thực nhằm khai mở tiềm năng số của khu vực.
Theo đó, Asean đang đứng trước một cơ hội to lớn khi chỉ riêng công nghệ 5G được kỳ vọng đóng góp tới 130 tỷ USD cho nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2030.
Tuy nhiên, mức độ ứng dụng 5G vẫn còn chênh lệch lớn trong khu vực, từ 48,3% tại Singapore cho đến dưới 1% tại một số quốc gia thành viên Asean. Nếu không có hành động phối hợp kịp thời, những chênh lệch này có thể làm sâu sắc thêm khoảng cách số và làm suy yếu năng lực cạnh tranh khu vực, khiến Asean bị tụt lại phía sau trong cuộc đua chuyển đổi số toàn cầu.
“Sự hội tụ giữa 5G và AI chính là hạ tầng cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các lĩnh vực như sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác, và giao thông tự hành. Nhưng Asean không thể chần chừ. Cánh cửa để khẳng định vai trò dẫn đầu khu vực trong kết nối thông minh đang nhanh chóng khép lại”, giáo sư Vũ Minh Khương chia sẻ.
Báo cáo cung cấp một bản thiết kế cho các nhà hoạch định chính sách Asean nhằm định hướng sự tích hợp giữa 5G và AI. Những chiến lược phối hợp để thúc đẩy vai trò lãnh đạo khu vực trong việc kết nối thông minh phải được thiết lập để giúp khu vực vượt lên khỏi các bước cải tiến nhỏ lẻ, hướng tới vai trò lãnh đạo số mang tính chuyển đổi.
Dựa trên các cuộc phỏng vấn chuyên sâu và khảo sát với hơn 400 chuyên gia đến từ 8 quốc gia Asean, nghiên cứu xác định 10 trụ cột cấp thiết nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi 5G-AI.
Trọng tâm đầu tiên là thiết lập vai trò lãnh đạo số phối hợp để giải quyết tình trạng phân mảnh đang kìm hãm tốc độ tiến bộ khu vực. Các chính phủ cần nhìn nhận 5G như một hạ tầng chiến lược cho AI, chứ không đơn thuần là nâng cấp viễn thông. Đồng thời, cần khẩn trương thu hẹp khoảng cách kỹ năng đang cản trở doanh nghiệp áp dụng công nghệ.
Để đảm bảo tương lai số của Asean, giáo sư Vũ Minh Khương đã đề xuất 5 ưu tiên chiến lược.
Thứ nhất, xây dựng các chiến lược phát triển 5G-AI quốc gia với lộ trình rõ ràng đến năm 2030. Chiến lược này phải xác định được đề xuất giá trị hấp dẫn, ưu tiên các ngành có tác động lớn như sản xuất, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, giáo dục và đề ra các kế hoạch hành động cụ thể kèm theo các mốc đo lường được.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Asean nên khởi xướng Cuộc thi Đổi mới 5G-AI nhằm hỗ trợ các startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thông qua chương trình cố vấn, các nền tảng thử nghiệm và cơ hội triển khai thí điểm trên phạm vi khu vực.
Thứ hai, thành lập cơ quan điều phối có quyền hạn thực sự tại các quốc gia thành viên Asean. Mỗi quốc gia Asean nên chỉ định một cơ quan quốc gia chuyên trách để dẫn dắt chiến lược 5G-AI, điều phối việc triển khai và thúc đẩy việc áp dụng công nghệ này trên các lĩnh vực.
Cơ quan này sẽ phối hợp các ưu tiên quốc gia, nhu cầu ngành công nghiệp và các công nghệ mới nổi, đặt nền tảng cho sự chuẩn bị sẵn sàng với 6G và nâng cao khả năng cạnh tranh số.
Thứ ba, triển khai các chính sách bao trùm, tiên tiến nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và đổi mới. Chính sách quản lý tần số mang tầm nhìn xa được hỗ trợ bởi các quy định rõ ràng, linh hoạt là điều thiết yếu để thúc đẩy nhanh việc triển khai 5G, tối ưu hóa việc sử dụng tần số và mở khóa các đổi mới thế hệ tiếp theo.
Các quốc gia Asean nên điều chỉnh chiến lược quản lý tần số phù hợp với nhu cầu thị trường, các ưu tiên quốc gia và sự phát triển công nghệ nhằm đảm bảo sự tăng trưởng 5G bền vững và hiệu quả về chi phí.
Thứ tư, phát triển hệ sinh thái AI thông qua hợp tác công – tư. Một hệ sinh thái 5G-AI phát triển mạnh không thể chỉ dựa vào đổi mới sáng tạo mà cần có sự hợp tác sâu rộng và bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị số.
Chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSPs), các công ty công nghệ, các trường đại học và các tổ chức khu vực phải phối hợp chặt chẽ nhằm xây dựng lòng tin, đồng sáng tạo và các quan hệ đối tác công - tư chiến lược (PPP). Những liên minh này là yếu tố thiết yếu để thúc đẩy triển khai nhanh chóng, mở rộng các giải pháp chuyển đổi và khai thác giá trị kinh tế có ý nghĩa trên toàn Asean.
Nền tảng cốt lõi của hệ sinh thái này là việc phát triển cơ sở hạ tầng số tiên tiến, một yếu tố quan trọng và không thể thương lượng. Đây là nền móng mà mọi đổi mới 5G-AI đều phụ thuộc, cho phép các bên liên quan kết nối, xử lý và hợp tác ở quy mô lớn. Nếu thiếu nền tảng này, toàn bộ tiềm năng của 5G và AI sẽ không thể được hiện thực hóa.
Thứ năm, triển khai các cơ chế giám sát mạnh mẽ để theo dõi tiến độ và cho phép điều chỉnh lộ trình. Các quốc gia Asean nên thiết lập một khung toàn diện về chỉ số hiệu suất chính (KPIs) để đánh giá và giám sát mức độ sẵn sàng cũng như việc áp dụng 5G-AI ở cả cấp doanh nghiệp và quốc gia.
Các KPIs phải phản ánh sự hội tụ giữa 5G và AI, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và được phát triển cùng với các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSPs), các công ty công nghệ và các bên liên quan chính.
Khung đo lường này không chỉ thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở doanh nghiệp mà còn hướng dẫn việc xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng và thúc đẩy việc học hỏi lẫn nhau giữa các quốc gia, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh số của Asean.
Ngoài ra, báo cáo của LKYSPP cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần được đặt làm trung tâm trong việc thúc đẩy tác động kinh tế của 5G. Trong khu vực đã có một số mô hình thành công tiêu biểu như cảng thông minh sử dụng 5G tại Singapore giúp giảm độ trễ tới 50%, Thái Lan triển khai hệ thống quản lý thiên tai tích hợp AI, Malaysia đạt tỷ lệ phủ sóng dân số tới 82% nhờ mô hình mạng viễn thông chia sẻ. Những ví dụ này cho thấy sức mạnh chuyển đổi nếu chiến lược được phối hợp thực hiện bài bản.
Mạng 5G riêng tư là yếu tố then chốt trong công cuộc chuyển đổi công nghiệp 4.0. Trong khi đó, truy cập không dây cố định (FWA) là giải pháp hữu hiệu để thu hẹp khoảng cách kết nối tại các khu vực khó tiếp cận.
Bên cạnh đó, việc triển khai 5G hiện tại chính là nền móng cho sự phát triển của 6G vào năm 2030, vì thế các quyết định chiến lược hiện nay sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới năng lực cạnh tranh trong tương lai.
Tương lai, Asean sẽ dẫn đầu trong kỷ nguyên 5G-AI. Doanh nghiệp vươn ra toàn cầu nhờ sản xuất thông minh, nông dân tối ưu hóa năng suất nhờ phân tích dữ liệu AI, học sinh vùng sâu vùng xa được tiếp cận nền giáo dục nhập vai tiên tiến.