Blue Origin muốn xây dựng một trạm du lịch vũ trụ trên không gian

Công ty có kế hoạch làm việc cùng với công ty khởi nghiệp Sierra Space để đưa trạm vũ trụ thương mại “Orbital Reef” từ ý tưởng trên giấy thành hiện thực.
Blue Origin muốn xây dựng một trạm du lịch vũ trụ trên không gian

Blue Origin, công ty không gian do Jeff Bezos thành lập, đang đề xuất một trạm vũ trụ thương mại khổng lồ mới có tên "Orbital Reef”, sử dụng để tổ chức các thí nghiệm khoa học, nơi nghỉ dưỡng và thậm chí có khả năng sản xuất trong không gian.

Tuy nhiên, những dự án như vậy vô cùng đắt đỏ và ẩn chứa nhiều rủi ro, cần tới hàng chục tỷ USD và đòi hỏi vô số thử nghiệm phóng an toàn trước khi con người có thể thực sự sử dụng. 

Blue Origin và Sierra Space có kế hoạch đồng tài trợ cho trạm vũ trụ này, mặc dù các nhà điều hành từ chối đưa ra ước tính chi phí toàn bộ trong cuộc họp báo vào đầu tuần qua. Họ cũng nói thêm rằng họ mong đợi ký hợp đồng với NASA, mặc dù không rõ chính xác mối quan hệ hợp tác như vậy có thể hình thành như thế nào.

NASA đã đưa ra lời kêu gọi đề xuất cho các trạm vũ trụ thương mại vì “Trạm vũ trụ quốc tế” 20 năm tuổi - nơi từng đón các phi hành gia chuyên nghiệp từ Hoa Kỳ, Nga và hơn một trăm quốc gia khác - đã sắp hết “tuổi thọ”. Một số công ty khác, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp Nanoracks và Axiom có ​​trụ sở tại Texas, cũng đưa ra đề xuất tương tự.

Blue Origin hy vọng “Orbital Reef” có thể đi vào hoạt động vào cuối thập kỷ này, mặc dù khả năng này còn khá xa vời. Cho đến nay, công ty mới chỉ thiết lập một số chuyến bay dưới quỹ đạo có phi hành đoàn, giống như NASA đã đạt được lần đầu tiên vào đầu những năm 1960.

New Glenn, tên lửa do Blue Origin chế tạo, dự kiến ​​sẽ đủ mạnh và đủ lớn để vận chuyển các phần lớn nhất của trạm vũ trụ lên quỹ đạo, nhưng vẫn chưa hoạt động và chuyến bay đầu tiên đã bị hoãn lại cho tới cuối năm 2022.

Các tàu vũ trụ có thể được sử dụng để chở người đến và đi từ trạm vũ trụ vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Chẳng hạn, chiếc Starliner của Boeing đã gặp phải nhiều trục trặc và sẽ không thực hiện bất kỳ chuyến bay thử nghiệm quan trọng nào cho đến cuối năm 2022.

Một số công ty khác có liên quan tới thông báo về “Orbital Reef” cũng đã đề cập đến các sản phẩm mà họ đang phát triển. Một công ty có tên là Genesis đang nghiên cứu để phát triển một phương tiện cho phép các phi hành gia thực hiện các chuyến đi bộ ngoài không gian bằng cách đưa con người vào các khoang kín chân không với các cánh tay robot để một ngày nào đó họ có thể làm việc bên ngoài một trạm vũ trụ như vậy. Công ty Redwire nghiên cứu phương pháp sản xuất trong không gian dưới dạng in 3D, một ngày nào đó có thể giúp sản xuất hàng hóa mới trong không gian dễ dàng hơn thay vì phải trải qua quá trình chế tạo trên Trái đất và sau đó gửi lên không gian. 

Trong chừng mực hoạt động của trạm vũ trụ, các công ty từ khắp nơi trên thế giới - trong các ngành từ dược phẩm đến khoa học vật liệu - có thể sử dụng nó để tiến hành nghiên cứu trong vi trọng lực, giống như cách họ đã làm trên ISS. NASA từ lâu đã biết những lợi ích của việc nghiên cứu trong không gian. Trong môi trường vi trọng lực, các hiện tượng vật lý và sinh học không bị sa lầy bởi lực kéo của Trái đất. Vì vậy, thực hiện cùng một thí nghiệm trên trạm không gian và dưới trái đất có thể giúp các nhà khoa học hiểu sâu hơn về cách thức hoạt động của một vấn đề nhất định. 

Có thể bạn quan tâm