Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, quý 1/2023, Việt Nam nhập khẩu gần 130.460 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 271,36 triệu USD, giảm 2,9% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhập khẩu thịt trâu, thịt lợn, thịt bò có xu hướng giảm; trong khi nhập khẩu thịt gia cầm tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Hàng ngoại "át" hàng nội
Trong bối cảnh nguồn cung trong nước dồi dào, giá gia cầm trong nước vẫn đứng ở mức thấp trong một thời gian dài. Nhiều ý kiến cho rằng, các sản phẩm gia cầm nhập khẩu đang ồ ạt vào nước ta, kể cả đường chính ngạch và tiểu ngạch là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá gia cầm trong nước.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), trong 5 năm gần đây, nhập khẩu thịt gà vào Việt Nam tăng liên tục, theo ước tính chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ ở nước ta.
Nhiều phụ phẩm chăn nuôi giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng, được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho người, văn bản của VIPA nêu thực trạng.
Đồng thời VIPA cho biết, hiện nay, với mức giá bán trong nước, sản phẩm gà lông màu, nông dân và doanh nghiệp đang chịu lỗ khoảng 6.000 - 8.000 đồng/kg; gà lông trắng lỗ khoảng 5.000 đồng/kg. Tỷ suất lợi nhuận của ngành chăn nuôi gia cầm đang ở rất thấp, thậm chí hai năm vừa qua xuống mức âm.
Do đó, VIPA kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt gia cầm từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng ractopamine, cysteamine.
Đồng thời, VIPA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan cần triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng nước ta.
Liên quan đến vấn đề này, trong cuộc họp báo mới đây, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho biết, với việc Việt Nam hiện tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do với các nước, khu vực và vùng lãnh thổ (trong đó có 2 hiệp định thế hệ mới như CPTTP và EVFTA), thì các quốc gia có thế mạnh chăn nuôi như Mỹ, Brazil, Australia... sẽ tăng xuất khẩu vào Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ nhập khẩu năm 2022 và đầu năm 2023 không quá lớn nhưng cộng dồn tổng số lượng nhập khẩu càng làm giá bán sản phẩm lợn và gia cầm trong nước giảm mạnh.
Điều này đã khiến sinh kế người chăn nuôi bị ảnh hưởng: Chi phí đầu vào tăng, giá thành sản xuất tăng vọt trong khi giá bán sản phẩm của người chăn nuôi ở mức thấp kéo dài dẫn đến người chăn nuôi gia súc, gia cầm không chỉ quy mô nông hộ mà cả trang trại (do thiếu liên kết, không khép kín chuỗi phụ thuộc cả đầu vào và đầu ra) bị thua lỗ. Trong khi việc chuyển đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn chậm, người nông dân nhỏ lẻ mất dần sinh kế.
Trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 650.000 tấn thịt các loại gồm: thịt lợn, thịt gia cầm và thịt trâu, bò. Tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước là 7 triệu tấn, tức là lượng nhập khẩu bằng khoảng 9% sản lượng trong nước.
Đang kiểm soát tốt nhập khẩu
Về tình trạng các loại "gà thải loại" và các sản phẩm thịt động vật rẻ, kém chất lượng về Việt Nam, cung cấp nguồn thực phẩm không đảm bảo cho người tiêu dùng, đồng thời cạnh tranh với chính gia súc, gia cầm nuôi trong nước, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc xem xét nhập khẩu, kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm thịt gia cầm từ các nước được thực hiện chặt chẽ dựa trên các quy định tại Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn dưới Luật.
Đồng thời, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì phải tuân thủ quy định thương mại quốc tế, không thể ngăn cấm nhập sản phẩm này, hạn chế nhập sản phẩm kia nếu các mặt hàng đó không vi phạm quy định của nước ta và quy định quốc tế.
Về quy trình xem xét nhập khẩu sản phẩm thịt gia cầm làm thực phẩm sẽ được thực hiện qua 6 bước.
Cục Thú y cho biết, căn cứ vào đăng ký, khai báo kiểm dịch của người nhập khẩu, khi hàng đến cửa khẩu nhập, Cơ quan Thú y cửa khẩu sẽ tiến hành kiểm tra từng lô hàng về hồ sơ kiểm dịch, thực trạng hàng hóa, lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu kiểm dịch theo quy định (các lô hàng sản phẩm thịt gia cầm đông lạnh phải lưu giữ tại cửa khẩu nhập đến khi có kết quả kiểm tra).
Nếu đạt yêu cầu lô hàng mới được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hàng năm, Cục Thú y thực hiện lấy mẫu theo chương trình giám sát để kiểm tra các chỉ tiêu dư lượng kháng sinh đối với sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu.
"Các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện theo quy trình 6 bước để đánh giá, đàm phán; mỗi sản phẩm phải mất tối thiểu từ 4-5 năm mới được xem xét nhập khẩu vào Việt Nam và tuân thủ quy trình rất chặt chẽ", bà Thủy nói.
Trong đó, Cục Thú y phải thẩm định các hồ sơ về dịch bệnh, đồng thời giám sát cả quá trình đảm bảo an toàn thực phẩm tại nước nhập khẩu. Do vậy, nếu nói thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam không đảm bảo chất lượng là chưa phù hợp.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Thú y, theo quy định hiện nay, tỷ lệ kiểm tra lô hàng nhập khẩu là 5%, nghĩa là trong 100 lô hàng chỉ kiểm tra 5 lô hàng. Kiểm tra thực phẩm động vật trên cạn nhập khẩu (thịt gà, thịt lợn, thịt bò…) trong 2 năm qua, cơ quan thú y chưa phát hiện vụ việc nào có tồn dư dư lượng trên thực phẩm đến mức phải cảnh báo.