Bộ Tài chính chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán

Bộ Tài chính vừa ban hành công văn yêu cầu tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp kiểm toán, các kiểm toán viên hành nghề và các thành viên nhóm kiểm toán thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung về pháp luật kiểm toán.
Bộ Tài chính chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán

Bộ Tài chính cho biết, qua việc theo dõi, giám sát và kiểm tra thực tế tại một số doanh nghiệp kiểm toán, Bộ Tài chính nhận thấy về cơ bản các doanh nghiệp kiểm toán được kiểm tra đã tuân thủ quy định pháp luật về kiểm toán độc lập và pháp luật có liên quan trong việc thực hiện kiểm toán.

Tuy nhiên, cũng còn có những doanh nghiệp kiểm toán có hồ sơ kiểm toán chưa đạt yêu cầu, đưa ý kiến kiểm toán chưa phù hợp theo quy định của chuẩn mực kiểm toán làm ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, các công ty đại chúng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc Bộ Tài chính có các biện pháp chấn chỉnh để đảm bảo chất lượng báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính yêu cầu tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp kiểm toán, các kiểm toán viên hành nghề và các thành viên nhóm kiểm toán thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung về pháp luật kiểm toán.

Đảm bảo tính độc lập, khách quan, thực hiện đúng quy trình kiểm toán

Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kiểm toán tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan.

Trong quá trình thực hiện kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán và các kiểm toán viên hành nghề phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, thực hiện đúng quy trình kiểm toán, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Tăng cường soát xét, đảm bảo thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán theo đúng yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, luôn đề cao tính hoài nghi nghề nghiệp trong việc thực hiện kiểm toán.

Bộ Tài chính yêu cầu nghiêm túc triển khai áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp kiểm toán quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ theo yêu cầu tại Chuẩn mực về Kiểm soát chất lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác (VSQC1), kể cả trụ sở chính và tất cả các các chi nhánh.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị về các tồn tại, sai sót phát hiện trong các cuộc kiểm tra, soát xét chất lượng.

Nắm vững và thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật có liên quan đến báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán. Lưu ý những khu vực có rủi ro cao khi kiểm toán báo cáo tài chính của khách hàng.

Kịp thời có biện pháp ngăn ngừa, sửa chữa, xử lý sai phạm

Theo Bộ Tài chính, trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện đơn vị được kiểm toán là các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng và các đơn vị có lợi ích công chúng khác không tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan đến lập và trình bày báo cáo tài chính được kiểm toán thì phải thông báo bằng văn bản và kiến nghị đơn vị được kiểm toán có biện pháp ngăn ngừa, sửa chữa và xử lý sai phạm.

Trường hợp đơn vị được kiểm toán không sửa chữa và xử lý sai phạm thì phải ghi ý kiến vào báo cáo kiểm toán hoặc thư quản lý theo quy định của chuẩn mực kiểm toán. Sau khi phát hành báo cáo kiểm toán, nếu nghi ngờ hoặc phát hiện đơn vị được kiểm toán có những sai phạm trọng yếu do không tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan đến báo cáo tài chính đã được kiểm toán, thì phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị được kiểm toán và người thứ ba theo quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền chấp thuận là Ủy ban Chứng khoán nhà nước (đối với khách hàng là đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán) và Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (đối với khách hàng là đơn vị có lợi ích công chúng khác) và cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định pháp luật.

Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán thực hiện đầy đủ và kịp thời việc phát hành thư quản lý để thông báo cho đơn vị được kiểm toán là các đơn vị có lợi ích công chúng về những nội dung quan trọng phát hiện trong quá trình kiểm toán; thực hiện nghiêm chỉnh việc ký kết hợp đồng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng; quản lý chặt chẽ thời gian làm việc của kiểm toán viên hành nghề, kịp thời báo cáo tình hình tăng, giảm hoặc thay đổi kiểm toán viên hành nghề với Bộ Tài chính theo quy định.

Thực hiện ký hợp đồng lao động theo đúng quy định để tránh các trường hợp gian lận trong đăng ký hành nghề, đồng thời thực hiện đúng chế độ BHXH cho nhân viên, đặc biệt là kiểm toán viên hành nghề.

Các doanh nghiệp kiểm toán chấp hành đúng thời hạn nộp các loại báo cáo theo quy định, nội dung báo cáo phải đúng thực tế và đầy đủ theo yêu cầu quy định của pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các dịch vụ, lưu trữ hồ sơ, tài liệu để kiểm soát nghiêm ngặt hồ sơ, tài liệu thuộc trách nhiệm của đơn vị.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...