Theo đó, Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế thực hiện rà soát hoàn thiện báo cáo tổng kết tình hình thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng yêu cầu Vụ Chính sách Thuế chủ trì hoàn thiện dự án luật, trình Bộ để gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan; lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo đúng quy định; trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông quan theo đúng chương trình.
"Dự kiến trong tháng 4 này, Bộ Tài chính sẽ lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường. Tháng 5 xin ý kiến thẩm định của Bộ tư pháp. Tháng 6 trình Chính phủ dự án luật để Chính phủ trình Quốc hội.
Theo đúng lộ trình, tháng 7/2017 dự án luật sẽ được gửi sang Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội để thẩm tra. Tiếp đó tháng 8 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật.
Theo lộ trình đó, tháng 9/2017 dự án luật sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội sau khi đã có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tháng 10/2017 trình Quốc hội xem xét thông qua.
Nếu được thông qua, có thể 6 tháng nữa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ có khung thuế mới cao hơn nhiều khung thuế hiện tại.
Trước đó, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó khung thuế với xăng tăng từ 4.000 - 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay lên 3.000 - 6.000 đồng/lít, dầu diesel (1.500 - 4.000 đồng/lít), dầu hoả (300 - 2.000 đồng/lít), dầu ma zút (900 - 4.000 đồng/lít), dầu nhờn (900 - 4.000 đồng/lít), mỡ nhờn (900 - 4.000 đồng/kg).
Thuế môi trường cho xăng sinh học ở mức thấp hơn, trong đó xăng E5 là 2.700 - 7.200 đồng/lít, xăng E10 từ 2.500 - 6.800 đồng/lít.
Góp ý về dự thảo này, Bộ Ngoại giao cho rằng Bộ Tài chính nên cân nhắc thật kỹ sự cần thiết, lộ trình thực hiện, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, mặt hàng thiết yếu này đã gánh nhiều loại thuế và phí, đồng thời bổ sung đánh giá tác động về kinh tế, xã hội đối với phương án nâng mức sàn - mức trần biểu khung thuế của xăng trong dự thảo.
Đại diện Bộ Tài chính, ông Vũ Khắc Liêm, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, cho biết, một trong những lý do cho đề xuất tăng thu thuế bảo vệ môi trường là để cơ cấu lại ngân sách trong bối cảnh hội nhập, các dòng thuế bị cắt giảm.
Vị này cho hay, khoảng 10 năm trước đây, thu thuế phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu với các loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng, hiện nay, việc hội nhập sâu rộng đã khiến các phần thu thuế trước kia bị hụt dẫn đến cơ cấu thu bị thay đổi.
“Đây chỉ là khung thuế điều chỉnh vào Luật để sau này có những điều chỉnh về mức thu chi phù hợp với quá trình hội nhập còn mức áp dụng cụ thể với từng thời kỳ sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành”, ông nói và cho biết Bộ Tài chính đang tính khung thuế trên khi thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ về 5% và 0% thì áp dụng, đảm bảo giá xăng dầu không thấp hơn các nước xung quanh.
“Hiện mới trình khung thuế từ 4.000-8.000 đồng, còn mức tăng thì phải tính từng thời điểm, nhất là còn phải trình Quốc hội, phải họp bàn, thảo luận rất nhiều”, ông Liêm cho hay.
Theo Vneconomy.vn
>> Bộ Tài chính lên tiếng về đề xuất thuế môi trường xăng lên 8.000 đồng/lít