Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử

Mật mã, nền tảng chia sẻ dữ liệu, điện toán đám mây và an toàn, an ninh mạng là 4 công nghệ nền tảng, chủ chốt trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặt mục tiêu các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm chủ
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử

Trong trao đổi tại phiên tọa đàm cấp cao tại Diễn đàn về Công nghiệp 4.0 năm 2019, chia sẻ về định hướng triển khai các nội dung công việc xây dựng Chính phủ điện tử,  Bộ trưởng Bộ TT&TT đã cho biết, Bộ TT&TT coi phát triển Chính phủ điện tử và đô thị thông minh là một mục tiêu kép. Trong đó, mục tiêu số một  là xây dựng được một Chính phủ điện tử, đô thị thông minh hiệu quả; còn mục tiêu thứ hai là thông qua quá trình đó tạo ra được các doanh nghiệp CNTT mạnh để góp phần cho giai đoạn tiếp theo - giai đoạn chuyển đổi số, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, từ cái nôi Việt Nam đi ra toàn cầu.

Trên cơ sở nhận thức rõ hiện nay nhiều doanh nghiệp công nghệ đang cơ bản làm những việc giống nhau, “nhà nhà làm, làm cùng một thứ nhưng lại làm không đến nơi”, người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết tới đây Bộ sẽ phân vai một số các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp nền tảng, với mục tiêu đặt ra là “doanh nghiệp làm cái gì thì sâu cái đó, không những tốt cho Việt Nam mà còn đi ra toàn cầu được”.

Mới đây, tại buổi làm việc đầu tiên của Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử kể từ khi nhiệm vụ thường trực Tổ công tác được chuyển từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã một lần nữa đề cập đến cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử: “Chúng ta cần xây dựng Chính phủ điện tử tốt và dẫn đầu. Điều này sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp CNTT phát triển, phục vụ cho Việt Nam và từ Việt Nam đi ra nước ngoài”.

Cũng trong kết luận buổi làm việc của Tổ công tác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm chủ được.

Cụ thể, về mật mã của Chính phủ điện tử, Bộ trưởng đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ rà soát, đề xuất mật mã dành cho Chính phủ điện tử việc gì sẽ do Ban làm, việc gì định hướng doanh nghiệp làm và những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nào sẽ tham gia vào việc làm chủ mật mã Chính phủ điện tử. Trên cơ sở đề xuất của Ban Cơ yếu Chính phủ, dự kiến trước ngày 15/11/2019 sẽ có cuộc họp giữa Tổ công tác với Ban Cơ yếu Chính phủ để thống nhất vấn đề này.

Tập đoàn VNPT được giao nhiệm vụ đề xuất tiêu chuẩn công nghệ liên quan đến nền tảng chia sẻ dữ liệu, trình Bộ TT&TT xem xét, thực hiện ban hành. Cục Tin học hóa có trách nhiệm đề xuất danh sách các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực làm chủ công nghệ về nền tảng chia sẻ dữ liệu.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, cần phải xem điện toán đám mây (Cloud Computing) là hạ tầng của hạ tầng, nên trong phát triển Chính phủ điện tử, doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ hạ tầng quan trọng này. Cục An toàn thông tin cần xác định các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng làm được điện toán đám mây cho Chính phủ điện tử.

Khẳng định bảo đảm an toàn, an ninh mạng chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng Chính phủ điện tử tin cậy, Bộ trưởng giao Cục An toàn thông tin đề xuất danh sách những sản phẩm an toàn, an ninh mạng khuyến nghị cho Chính phủ điện tử, xây dựng tiêu chuẩn liên quan và hướng dẫn các doanh nghiệp cách thức tham gia cung cấp giải pháp.

Nhấn mạnh các công nghệ kể trên là những vấn đề quan trọng, nền tảng cho xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử và chúng ta có đầy đủ khả năng để làm chủ được, Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị cần chỉ ra thời gian cụ thể cho từng nội dung công việc cụ thể.

Theo Vân Anh/ictnews.vn

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...