Cập nhật từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), riêng trong tháng 11/2022, có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận với giá trị 1.934,7 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Masan là doanh nghiệp phát hành nhiều nhất với 1.700 tỷ đồng, ngoài ra còn có 4 đợt phát hành của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu Tư Đức Trung và Công ty Cổ phần City Auto.
Luỹ kế 11 tháng đầu năm 2022, nhóm ngân hàng vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị đạt 136.371 tỷ đồng, tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.829 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.
Xét về hình thức phát hành sau 11 tháng đầu năm, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Công ty Cổ phần Tập Đoàn VinGroup phát hành trị giá 625 triệu USD. Có 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng, giảm 60%(chiếm 4% tổng giá trị phát hành). Có 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242.865 tỷ đồng giảm 56%(chiếm 96% tổng giá trị phát hành).
Nhìn chung thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn ảm đạm, không có nhiều bứt phá. Trước đó hồi tháng 10, chỉ có duy nhất Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo phát hành khối lượng trái phiếu với tổng giá trị là 210 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm.
Cũng theo báo cáo của VBMA, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 163.974 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, tháng 12/2022 sẽ tiếp tục có 45.762 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, đến năm 2023 là khoảng 308.622 tỷ đồng.