Cẩn thận để không phải “trả giá” khi hội nhập

Việc trang bị những kiến thức về giao kết các hợp đồng thương mại có tính chất quốc tế là điều sống còn cho doanh nghiệp Việt.
Cẩn thận để không phải “trả giá” khi hội nhập

Tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục tăng trong những năm qua, số lượng và giá trị giao dịch các hợp đồng thương mại mang tính quốc tế cũng theo đó mà tăng lên.

Cơ hội tăng…

Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã công bố số liệu thống kê xuất nhập khẩu trong nửa cuối tháng 11, từ ngày 16/11 đến 30/11 đạt hơn 21,6 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2018, tổng giá trị xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 440 tỷ USD, tăng hơn 51,7 tỷ đô (tương ứng tăng 13,3%) so với cùng kỳ 2017.

Cụ thể, hết tháng 11/2018, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 223,7 tỷ USD, tăng 14,5% tương ứng tăng 28,3 tỷ USD so với cùng kỳ 2017. Qua đó đưa mức thặng dư của cả nước trong 11 tháng qua lên 7,41 tỷ USD, đây là mức cao kỷ lục.

Năm 2017, tổng giá trị xuất nhập khẩu cả nước đạt 425,12 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 214,01 tỷ USD, tăng 21,2% (tương ứng tăng hơn 37,44 tỷ USD) so với năm 2016. Trong đó, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% (tương ứng tăng 36,3 tỷ USD) so với năm 2016.

Với kết quả này, tổng giá trị xuất nhập khẩu tăng 21% (tương ứng tăng 73,74 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa cả nước năm 2017 thặng dư 2,92 tỷ USD, cao hơn con số gần 2,7 tỷ USD được dự ước trước đó và cũng cao hơn mức xuất siêu 2,5 tỷ USD của năm 2016.

Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 11 tháng đầu năm 2018 so với năm 2017.

Qua từng năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu của cả nước đang tăng dần đã cho thấy sự hội nhập sâu rộng đang mang lại cơ hội cũng như nguồn lợi không nhỏ cho doanh nghiệp trong giao thương xuyên biên giới.

Tuy nhiên, kèm theo cơ hội luôn là thách thức, không ít doanh nghiệp nước ta đang gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề liên quan đến pháp lý, ngôn ngữ, tập quán địa phương… trong quá trình làm việc, mua bán hàng hóa với đối tác nước ngoài.

Trong đó, vấn đề về pháp lý liên quan đến hợp đồng thương mại quốc tế đang được nhiều doanh nghiệp trong nước đặc biệt quan tâm, vì đây là bằng chứng quan trọng nhất để xác định và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi phát sinh tranh chấp.

Rắc rối cũng đến

Trên thực tế, chỉ sai lầm một chữ trong hợp đồng cũng khiến giao dịch đổ bể, kiện tụng kéo dài gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Đơn cử trong vụ kiện xảy ra vào năm 2008 giữa bên mua bột sắn sống là một doanh nghiệp của Anh với bên bán là Công ty của Việt Nam đã xảy ra tranh chấp về vấn đề sự khác biệt của tên hàng trong Bản chào hàng và Hợp đồng ký kết.

Cụ thể, khi chào hàng Công ty của Việt Nam đã chào hàng “bột sắn sống”, loại dùng trong công nghiệp (tên tiếng Anh Tapioca Starch Powder, Industrial grade).

Sau đó, trong bản dự thảo Hợp đồng thì hàng hóa là 510 tấn “bột sắn sống”, không bị oxi hóa, loại dùng trong công nghiệp (Raw, Unoxidised Tapioca Powder, Industrial grade) với giá trị hợp đồng lên đến 179.714 USD.

Tuy nhiên, sau đó Công ty của Anh nhận hàng nhưng lại cho rằng đây không phải là “bột sắn sống” mà chỉ là bột sắn bình thường chưa qua chế biến và đưa ra một loạt các thông số kỹ thuật hàng hóa không đúng như cam kết trong hợp đồng.

Trong khi đó, Công ty phía Việt Nam cho rằng khi nhận được thư của Công ty của Anh xác nhận 2 tiêu chí là độ ẩm 13% và hàm lượng tinh bột 84% cho rằng hàng hóa được giao dịch là “bột sắn” thông thường chứ không phải “bột sắn sống”.

Vụ kiện kéo dài, kết luận cuối cùng của trung tâm trọng tài quốc tế VIAC đã đưa ra phán quyết phía công ty của Anh được quyền từ chối nhận hàng. Đương nhiên, doanh nghiệp của Việt Nam đã phải chịu thiệt hại nặng nề vì hàng đã ở cảng nước bạn nhưng không biết bán cho ai.

Qua vụ việc trên có thể nhận thấy, sự bất đồng trong ngôn ngữ dẫn đến 2 bên giao kết hợp đồng hiểu sai ý của nhau, khiến hàng hóa bị sai lệch hoàn toàn đã gây thiệt hại lớn cả về kinh tế lẫn thương hiệu của doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Hiện nay, khi càng ngày càng hội nhập sâu, đa phần các doanh nghiệp đều ý thức, trách nhiệm trong việc soạn thảo, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, dù cẩn thận đến mức độ nào thì việc tranh chấp có thể xảy ra là không thể tránh khỏi.

Thực tế, khi ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài, chỉ việc xác định xem người ký kết hợp đồng có đủ thẩm quyền hay không đã là một vấn đề nan giải. Tuy nhiên, nếu xác minh quá lâu quá thì có thể sẽ mất cơ hội nhưng nếu vội vã ký hợp đồng thì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Bích, Công ty Luật Advacas.

Về điều này, Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Bích làm việc tại Công ty Luật Advacas, đã đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp trong việc ký kết như sau: “Thực tiễn, để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra, với đối tác lần đầu, chúng ta hãy nói rõ với đối tác nước ngoài đây là lần đầu tiên giao kết hợp đồng chúng tôi rất muốn có thể hợp tác. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn rằng người giao kết hợp đồng là những người có thẩm quyền và yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh”.

Ngoài ra, trong trường hợp chưa thực sự tin tưởng đối tác thì hoàn toàn có thể sử dụng hợp đồng mẫu. Đối với khách hàng lần đâu thì như vậy, còn đối với những khách hàng thực hiện giao kết lần thứ 2, thứ 3 và hơn nữa. Khi đã có sự tin tưởng thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể cởi mở hơn. Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Bích phân tích.

Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Bích đã đưa ra những yếu tố quan trọng nhất doanh nghiệp khi tham gia ký kết hợp đồng thương mại quốc tế là: “Quan trọng nhất vẫn là xác định đúng hàng hóa mua bán, sau đó là chủ thể ký kết, phương thức thanh toán và vận chuyển hàng hóa. Đây là những yếu tố doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm, hạn chế sai sót khi ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài”.

>> Những vết nứt từ công cuộc hội nhập

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...