Cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo dư địa tăng trưởng

Tại hầu hết các bộ, ngành, có từ 33 - 50,1% điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Công việc này đang được tiếp tục thực hiện.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo dư địa tăng trưởng

Không cắt giảm lấy thành tích

Báo cáo tại buổi kiểm tra các bộ trong việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, các lĩnh vực cần sửa đổi, cắt giảm, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08 để hiện thực hóa những đề xuất này, trong đó bãi bỏ thêm 62 điều kiện so với đề xuất trước đó.

Danh mục ngành nghề, điều kiện kinh doanh, về cơ bản, Bộ Công thương đã hoàn thành chỉ tiêu (cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh). Tuy nhiên, Bộ Công thương xác định, đây là công việc thường xuyên, liên tục. Bộ rà soát, phát hiện tiếp để cắt giảm điều kiện kinh doanh, dự kiến trong năm nay bãi bỏ thêm hơn 50 điều kiện kinh doanh.

“Sẽ chỉ cắt giảm những gì bất hợp lý, không cắt giảm để lấy thành tích”, ông Khánh nói và cho biết, không chỉ cắt giảm điều kiện kinh doanh, mà cắt giảm chính ngành nghề phải có điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ví dụ, bán buôn, bán lẻ thuốc lá khi đã kiểm soát năng lực từng nhà máy không có lý do gì lại quản lý tiếp bán buôn, bán lẻ. Đối với sản phẩm rượu, điều kiện tham gia kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu khá đơn giản, có thể bỏ ngành điều kiện nghề kinh doanh, chỉ thực hiện kiểm soát sản xuất.

Bộ Giao thông Vận tải trước đây có tổng cộng 570 điều kiện kinh doanh, hiện đã rà soát cắt giảm, đơn giản hóa được 384 điều kiện kinh doanh. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, Bộ đang đẩy nhanh tiến độ rà soát, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, cố gắng hoàn thành trước tháng 10/2018.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ ra, vấn đề của Bộ Giao thông Vận tải hiện nay liên quan nhiều đến logistic, vận tải biển. Trong đó, logistic gặp khó khăn với nhiều điều kiện kinh doanh và chi phí logistic đang chiếm hơn 20% GDP. Với vận tải biển, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển phải có bộ phận pháp chế, bộ phận kinh doanh là can thiệp quá sâu vào nội bộ doanh nghiệp.

Tiếp tục cắt giảm, tạo dư địa tăng trưởng

Theo ông Mai Tiến Dũng, về điều kiện kinh doanh, hầu hết các bộ đã đơn giản hóa, cắt giảm từ 33 - 50,1% điều kiện kinh doanh.

Cụ thể, Bộ Công thương có tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh, đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Bộ Giao thông Vận tải có 570 điều kiện kinh doanh, đã rà soát cắt giảm, đơn giản hóa được 384 điều kiện kinh doanh. Tương tự, Bộ Tài chính có 193/370, Bộ Xây dựng có 155/280, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 76/163 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, sắp tới, trên cơ sở mô hình đặc khu, Bộ sẽ cắt giảm từ 243 điều kiện kinh doanh xuống 131 điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều điều kiện kinh doanh của một số bộ hiện tại không cần thiết nhưng chưa được đề cập trong phương án đơn giản hóa, cắt giảm, hoặc đơn giản hóa cắt giảm điều kiện kinh doanh này lại phát sinh điều kiện kinh doanh khác.

Chẳng hạn, ông Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Nghị định 27/2018/NĐ-CP về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, có 11 điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa, nhưng 115 điều kiện kinh doanh được bổ sung (Nghị định được ban hành ngày 1/3/2018).

Theo đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Trên cơ sở rà lại quy định tại 2 nghị định này, CIEM nhận thấy, Bộ Thông tin và Truyền thông mới chỉ sửa 11 điều kiện kinh doanh, trong khi có 115 điều kiện kinh doanh được bổ sung. Tổng các điều kiện kinh doanh tính đến ngày 23/5/2018 này là 115.

Trong phương án đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ, hiện mới có 9 bộ đạt tỷ lệ cắt giảm trên 50%, tiến độ thực hiện nhiệm vụ rà soát đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm, một số bộ chưa tích cực.

Ông Mai Tiến Dũng cho hay, đến ngày 31/10/2018, các bộ phải trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đến nay, ngoài Bộ Công thương, mới có Bộ Xây dựng có dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Hầu hết các bộ đang trong quá trình rà soát, đề xuất phương án.

Từ 1/10/2016 đã có kênh giao tiếp giữa doanh nghiệp và Chính phủ, những vấn đề còn vướng mắc về thực thi cơ chế, rào cản bất hợp lý đều tập hợp về Văn phòng Chính phủ.

“Các bộ tập trung đi sâu vào rà soát điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, làm được việc này là tạo dư địa cho tăng trưởng. Năm 2018 cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt bỏ, đơn giản hóa những nội dung nằm trong Nghị định, Thông tư nếu cản trở gia nhập thị trường cạnh tranh sản phẩm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Đầu tư chứng khoán

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…