Cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Bộ Công Thương nói riêng và các bộ ngành liên quan sẽ tập trung cắt giảm điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm hàng hóa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh, tạo lực đẩy cho xuất khẩu hàng hóa

Văn phòng Bộ Công Thương vừa công bố thông tin bề tình hình hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2017. Đáng lưu ý, các hoạt động, biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm sâu sắc và đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, cụ thể, số điều kiện kinh doanh trước rà soát là 1.216 điều kiện trên 27 ngành, nghề. Việc rà soát đã được thực hiện một cách nghiêm túc, cầu thị, hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh trên tinh thần đánh giá kỹ, chỉ giữ lại những điều kiện kinh doanh thực sự cần thiết, trong đó hạn chế tối đa các điều kiện mang tính chất rào cản gia nhập thị trường.

Trên cơ sở kết quả rà soát, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trên nguyên tắc vì doanh nghiệp, người dân và sự phát triển bền vững của xã hội. 

Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018.

Theo đó, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh dự kiến sẽ được cắt giảm, tương đương với 55,5% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương. Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là công việc trọng tâm, xuyên suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo, phục vụ.

Ngoài việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua, Bộ Công Thương cũng nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung thực hiện với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, đi thẳng vào những vấn đề cụ thể để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, từ đó khơi dậy và mở rộng năng lực sản xuất trong nước, khơi thông thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.

Chuyển mạnh sang hậu kiểm, giảm danh mục hàng hóa phải KTCN

Cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm ảnh 1

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo kết quả kiểm tra tháng 9 và kiến nghị về hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) với hàng hóa xuất nhập khẩu. Báo cáo của Tổ công tác nêu ra hàng loạt bất cập, vướng mắc khác. Việc kiểm tra chuyên ngành còn mang tính thủ tục, hồ sơ nhiêu khê, đòi hỏi phải xuất trình cả những giấy tờ không liên quan đến chất lượng hàng hóa

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhất trí với các kiến nghị của Tổ công tác đã báo cáo và yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước 25/10.

Cụ thể, đối với các Bộ, cơ quan, địa phương, cần chấn chỉnh việc ban hành các văn bản chồng chéo, tạo ra thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp như một dạng giấy phép con, mang tính co kéo lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích ngành, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với các Bộ quản lý chuyên ngành, cắt giảm, thu hẹp tối đa số lượng hàng hóa phải KTCN, có số liệu cắt giảm cụ thể. Khẩn trương rà soát danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, đề xuất giải pháp khắc phục trước 15/10.

Đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế, công nhận lẫn nhau và chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...); đẩy mạnh quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm, giảm danh mục hàng hóa phải KTCN tại khâu thông quan để bảo đảm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 35% hiện nay xuống 15% đúng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19…

Với các Bộ được kiểm tra, Bộ Y tế cần khẩn trương rà soát và quyết liệt cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giảm 90% lô hàng thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành so với hiện nay.

Đồng thời rà soát, sửa đổi các quy định về KTCN đối với thực phẩm nhập khẩu theo hướng áp dụng kiểm tra giảm (chỉ kiểm tra hồ sơ) đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm cùng loại sản phẩm, xuất xứ mà có thông báo đạt yêu cầu nhập khẩu 3 lần liên tiếp.

Chuyển sang hậu kiểm đối với thực phẩm thông thường, chỉ tiến hành KTCN tại khâu thông quan đối với một số thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Khẩn trương xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng công tác KTCN; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương chuyển các quy định về ATTP theo tiêu chuẩn Codex (hiện đang được các văn bản trong nước quy định về các mức giới hạn ATTP) thành các quy chuẩn kỹ thuật. Áp dụng quản lý rủi ro, chuyển sang hậu kiểm đối với toàn bộ danh mục hàng hóa về thiết bị y tế, dược và mỹ phẩm như đã cam kết với Tổ công tác.

Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tiếp thu các ý kiến góp ý của doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan vào Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, như bãi bỏ quy định liên quan tại Thông tư 19/2012/TT-BYT về công bố hợp quy đối với sản phẩm thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra ATTP; bổ sung thêm đối tượng được miễn kiểm tra ATTP như: hàng tạm nhập tái xuất, hàng nhập khẩu kinh doanh cửa hàng miễn thuế, hàng quà biếu tặng nhập khẩu trong định mức miễn thuế, hàng nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu.

Đối với Bộ Công Thương, khẩn trương rà soát chuẩn hóa lại mã số HS của các hàng hóa trong Danh mục hàng hóa nhóm 2; khẩn trương ban hành Danh mục hàng hóa có mã số HS thuộc diện phải kiểm tra hiệu suất năng lượng, hàng hóa không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg để tạo sự thống nhất giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp.

Khẩn trương ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chuẩn Việt Nam đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ chưa có quy chuẩn hoặc quy chuẩn không phù hợp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương rà soát, thống nhất một số loại chứng từ quản lý, kiểm tra chuyên ngành có tên gọi khác nhau nhưng về bản chất nội dung kiểm tra tương tự nhau.

Theo Lâm Phong/Vietq

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...