Câu chuyện ngành ngân hàng 2018

Sau thời gian dài “ngủ đông”, thị trường chứng khoán chứng kiến sự trở lại của cổ phiếu vua trong hơn năm qua. Năm nay, những câu chuyện gì sẽ diễn ra xung quanh ngành kinh tế được coi là "huyết mạch"
Câu chuyện ngành ngân hàng 2018

Biến động mới về nhân sự

Theo kế hoạch thường niên, từ giữa tháng 3 tới cuối tháng 4 thậm chí có thể gia hạn sang cuối tháng 6, các ngân hàng nói riêng cũng như các doanh nghiệp niêm yết nói chung sẽ tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ. Một trong các vấn đề đáng chú ý trong kỳ đại hội năm nay có thể đến từ yếu tố nhân sự HĐQT.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng vừa có hiệu lực ngày 15/1 đã giới hạn Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng không được đồng thời là Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám, Phó Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, điều luật này sẽ không lập tức gây ra “làn sóng” đổi nhân sự các nhà băng bởi trường hợp người quản lý, điều hành và các chức danh khác không đáp ứng quy sẽ được tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đến hết nhiệm kỳ hoặc đến hết thời hạn bổ nhiệm. Chỉ các ngân hàng bắt đầu nhiệm kỳ mới từ năm 2018 như ACB, KienLongBank mới cần thực hiện ngay lập tức.

Áp lực biến động nhân sự từ thay đổi luật thực tế là không quá lớn. Nhưng theo kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ mà một số ngân hàng hé lộ gần đây, mùa đại hội năm nay có thể sẽ chứng kiến điều bất ngờ từ việc bổ sung/ thay thế nhân sự HĐQT như Sacombank, Eximbank bầu bổ sung nhân sự còn SHB sẽ thay thế Phó Chủ tịch Trần Ngọc Linh, VIB dự kiến sẽ bầu thay thế 2 thành viên HĐQT đến từ đối tác chiến lước CBA. Một số ngân hàng có vốn Nhà nước, có nhiều cán bộ là thành viên HĐQT đã đến tuổi nghỉ hưu như Chủ tịch PGBank Bùi Ngọc Bảo, Ủy viên phụ trách HĐQT BIDV Trần Anh Tuấn.

Kỳ vọng cổ tức

Một trong các vấn đề được cổ đông quan tâm nhất là chuyện chia cổ tức. Với kết quả kinh doanh toàn ngành tăng trưởng ước tính khoảng 44,5% theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, lợi nhuận chưa phân phối của các nhà băng đã dày thêm nhờ khoản lãi tăng mạnh năm qua.

Cùng đó, rất có thể trong năm nay, các ngân hàng quốc doanh có thể được trả cổ tức bằng cổ phiếu sau rất nhiều năm buộc trả tiền mặt. Quyết định 1058 của Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp cùng NHNN cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn cho các ngân hàng này. Nhất là khi các khoản tiền từ thoái vốn, IPO các DNNN bổ sung đáng kể vào ngân sách nhà nước, áp lực đóng góp cổ tức từ các ngân hàng vào nguồn ngân sách quốc gia có thể nhờ đó mà giảm bớt.

Bao giờ cho tới… nới room?

Cách đây hơn một năm, trả lời phỏng vấn Bloomberg Television, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bỏ ngỏ việc nới ‘room’ ngân hàng với thời gian sớm nhất là trong năm 2017. Mốc thời gian 2017 đã qua. Câu chuyện nới room thực tế không quá mới. Không lạ khi việc đưa ra một quyết định liên quan đến vấn đề trên cần thời gian xem xét toàn diện bởi ngân hàng vốn là huyết mạch của nền kinh tế.

Thực tế hiện nay, room ngoại hiện đã đầy tại nhiều ngân hàng hoặc bản thân nhà băng để dành riêng khoảng 10 -15% vốn điều lệ để dành cho cổ đông chiến lược tương lai.

Đăng ký giao dịch/ niêm yết cổ phiếu: Khi “deadline” đã trễ

Dù theo Thông tư 180/2015/TT-BTC, các ngân hàng là công ty đại chúng cần phải đăng ký giao dịch trên UPCoM hoặc niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, dù thời hạn đã trễ nhưng vẫn còn nhiều ngân hàng chưa thực hiện.

Theo BSC, thống kê cho thấy có không ít hơn 9 ngân hàng sẽ đăng ký giao dịch/ niêm yết trong thời gian tới. Nhiều cổ phiếu lên sàn thời gian gần đây như HDB, VPB phản ánh sức hút của các cổ phiếu ngân hàng mới tiềm năng.

Tăng vốn từ áp lực Basel II - Thông tư 41

Theo tính toán của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, tới cuối năm 2020, các nhà băng sẽ phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 – 2 lần mới có thể đáp ứng quy định của Basel II mà cụ thể đã luật hóa tại Việt Nam qua Thông tư 41. Cách thức tính đã có nhiều thay đổi nên dù hệ số CAR tối thiểu được kéo xuống từ 9% còn 8%, nhu cầu vốn của các ngân hàng vẫn rất lớn.

Điển hình của việc thay đối cách tính là quy định loại trừ phần nợ thứ cấp do TCTD khác phát hành khỏi cấu phần tính vốn cấp 2. Việc mua công cụ nợ TCTD khác phát hành lẫn nhau để tăng vốn ảo do đó sẽ không còn ý nghĩa.

Một áp lực khác đến từ chính nhu cầu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng với tăng trưởng tín dụng bình quân đề ra cho năm tới là 17%. Để đảm bảo hệ số CAR khi liên tục tăng tài sản có rủi ro, việc tăng vốn là cấp thiết.

Nếu như trước đây, việc tăng vốn của các ngân hàng thường chủ yếu nhờ vào nguồn vốn chủ sở hữu của các ngân hàng (chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu…) thì năm 2017 vừa qua một số ngân hàng đã huy động tiền mới thành công từ các thương vụ phát hành riêng lẻ hay chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Nới room và việc đưa cổ phiếu lên sàn được kỳ vọng sẽ là yếu tố thúc đẩy giao dịch thứ cấp cổ phiếu nhà băng. Nhìn lại một năm trở lại đầy ấn tượng vừa qua, cổ phiếu ngân hàng đã thiết lập lên một mặt bằng giá mới cùng mức thanh khoản lên tới hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên. Thành công trên thị trường thứ cấp qua đó sẽ là bàn đạp cho hoạt động phát hành cổ phiếu. Thời gian chính thức áp dụng Basel II chỉ còn 2-3 năm nữa cũng đồng thời với việc các ngân hàng cần nhanh chân hơn trong cuộc đua này.

“Mỏ vàng” cho vay tiêu dùng

Theo đánh giá của VDSC, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng là cánh cửa cho tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng. Dư địa tăng trưởng lĩnh vực này vẫn còn rất rộng mở trong trung hạn khi quy mô hiện chỉ khoảng 19% GDP năm 2017.

Giá trị các khoản vay tín dụng tiêu dụng hiện chủ yếu vẫn tập trung ở các ngân hàng thương mại bởi đây chủ yếu là các khoản vay mua ô tô, sửa chữa nhà… có giá trị lớn. Dòng vốn cho vay tiêu dùng qua các công ty tài chính chỉ chiếm khoảng 3,3% hồi năm 2016 nhưng đang mở rộng khá nhanh tiếp tục giúp các công ty tài chính trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho các ngân hàng sở hữu. FECredit đóng góp khoảng 50% trong tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 8.100 tỷ đồng của VPBank. Còn HD Saison cũng đóng góp 380 tỷ đồng trong riêng 9 tháng 2017.

Rủi ro tiềm ẩn từ cho vay tiêu dùng không phải là không có. Đó là việc dòng vốn chảy lệch sang các tài sản đầu cơ hay khả năng các nhà băng đánh giá cao mức độ tín nhiệm của người vay do tài sản thế chấp tăng giá trị. Gần đây, NHNN đã yêu cầu giám sát chặt vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán để đảm bảo tính bền vững của thị trường.

Sự gia tăng của nguồn thu phi tín dụng

Trong năm 2017, tăng trưởng tín dụng đạt 18,17%. Trừ một số ít các ngân hàng như Eximbank, thu nhập lãi thuần đều tăng trưởng mạnh. Bên cạnh nguồn thu từ tín dụng, nhiều nhà băng còn gia tăng đáng kể nguồn thu phi tín dụng. Một vài ngân hàng đã rục rịch áp dụng biểu phí mới, những cái bắt tay phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance), hoạt động thanh toán đang ngày càng phổ biến nhờ thói quen tiêu dùng, sự phát triển của thương mại điện tử hay quy định hạn chế giải ngân vốn vay bằng tiền mặt mới đây của NHNN. Các yếu tố này có thể thúc đẩy các nguồn thu phi tín dụng của các nhà băng.

Thu hồi nợ xấu và những quả ngọt từ “của để dành”

Nợ xấu không phải của riêng ngành ngân hàng, nợ xấu đòi hỏi nghĩa vụ trả nợ của người đi vay. Nhưng bởi “không ai nắm tóc kẻ trọc đầu” - nhiều khoản nợ bên đi vay không còn khả năng chi trả trong khi tài sản đảm bảo giảm giá trị, các nhà băng buộc sử dụng lợi nhuận của mình để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu. Các năm vừa qua, thời điểm khi hoạt động kinh doanh phần nào cải thiện cũng là lúc ngân hàng "mạnh tay" trích lập.

Đến nay, tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế, sự phục hồi của thị trường bất động sản cùng sự hỗ trợ từ các chính sách mà cụ thể là việc ra đời Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu là trợ lực giúp ngành ngân hàng giải quyết bài toán khó xử lý dứt điểm nợ xấu.

Nhìn lại nửa năm từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, nhiều ngân hàng liên tục ra thông báo thu giữ và rao bán tài sản đảm bảo hay ghi nhận “của đề dành” là phần thu hồi nợ xấu từ các khoản nợ đã xử lý vào lãi hoạt động khác. Hơn nữa, nhờ tích cực trích lập, gánh nặng dự phòng cho các khoản nợ xấu cũ các năm tới sẽ giảm đáng kể, thậm chí không còn như trường hợp của ACB với nhóm nợ G6 liên quan đến bầu Kiên.

Bước chuyển mới trong tái cơ cấu ngân hàng

Quy trình xử lý đối với ngân hàng được mua bắt buộc đã chính thức được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng hồi cuối tháng 11/2017. Theo đó, việc chuyển nhượng sẽ được thỏa thuận trực tiếp với giá không thấp hơn giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ và theo cơ chế giá thị trường.

Tại ba ngân hàng 0 đồng, nhiều thay đổi khá tích cực đặc biệt về nợ xấu đã diễn ra sau 2-3 năm mua lại bắt buộc. CBBank xử lý được 5.000 tỷ đồng. GPBank báo cáo giá tr khoản nợ đã bán VAMC và các khoản phải thu đến cuối năm 2017 đã giảm mạnh. Còn OceanBank, đây được xem là ngân hàng có kết quả xử lý nợ xấu tốt nhất trong 3 ngân hàng được NHNN mua lại.Đáng kể hơn, OceanBank đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận bán 100% vốn cho đối tác nước ngoài.

Cùng với 3 ngân hàng 0 đồng, Sacombank và DongABank là 5 ngân hàng thuộc diện trọng tâm tái cơ cấu năm 2017. Nhìn từ phía bên mua, tái cơ cấu các ngân hàng này đồng thời cũng mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư mới bước chân vào ngành hay các nhà băng khác mở rộng quy mô. Nhiều thương vụ M&A kỳ vọng được nổ ra trong năm 2018 và các năm tới.

Theo NDH

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...