Chiêu lừa đảo gây "náo loạn" mùa du lịch 30/4

Không chỉ một mà rất nhiều khách hàng đã đồng loạt lên tiếng về một chiêu thức lừa đảo, một “kịch bản” quen thuộc được các trang fanpage khách sạn “dàn dựng” nhằm chiếm đoạt tài sản…

Kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 - 1/5 và mùa hè ngày càng cận kề, nhu cầu du lịch của người dân tăng cao. Song song với đó, tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn trực tuyến cũng diễn biến phức tạp, gây ra không ít lo ngại cho du khách. Thời gian gần đây, nhiều du khách chia sẻ về việc bị lừa tiền trong quá trình đặt phòng trước qua trang fanpage Khách sạn LAMER Thiên Cầm.

CHIÊU TRÒ THAO TÚNG TÂM LÝ KHÁCH HÀNG

Chị H.M, chia sẻ bài viết khá dài về những trải nghiệm không đáng có. “Cả đêm nằm ấm ức mãi không ngủ được. Bị lừa 3,5 triệu trong tíc tắc, nên em đăng lên cho mọi người xem và tránh ạ”, mở đầu bài viết của chị M.

Theo tường thuật của chị M., sau khi xem review một số địa điểm nghỉ dưỡng, chị quyết định đặt phòng nghỉ cho gia đình tại Khách sạn LAMER Thiên Cầm, Hà Tĩnh. Chị đã chủ động nhắn tin cho trang facebook gợi ý được cho là của khách sạn này. Sau khi chị chốt được phòng nghỉ theo nhu cầu thì đi đến bước chuyển khoản đặt cọc.

Đây chính là mấu chốt dẫn đến việc khách hàng bị lừa mà không hề hay biết. Theo lời kể của chị M, ban đầu, fanpage đưa ra một hóa đơn thanh toán đã giảm giá 10%, còn lại 1.530.000 đồng, sau đó, tăng lên 1.710.000 đồng, với lý do là "Em tính nhầm ạ, vừa bị quản lý mắng chị ạ". Chiêu trò này đã đánh vào tâm lý khiến chị M. thấy thương và quyết định chuyển khoản luôn.

Sau khi chị M. chuyển khoản kèm nội dung in trên hóa đơn là "MNPZLAIO303" thì vài phút sau, nhân viên tư vấn nhắn lại, thông báo rằng chị H. đã nhập sai mã phòng và yêu cầu chị H. chuyển lại số tiền tương tự để kế toán làm lại thông tin đặt phòng và sẽ hoàn trả lại khoản tiền được chuyển trước đó.

Lúc đó, do nghĩ rằng mình đã sai sót khi ghi thông tin chuyển khoản nên chị M. tin tưởng và làm theo, chuyển thêm 1.710.000 đồng nữa, vì nghĩ rằng một khách sạn uy tín sẽ liên hệ để hoàn trả tiền. Tuy nhiên sau khi nhận ra sự việc thì chị M mới tá hỏa là mình đã bị lừa.

Câu chuyện của chị M. không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều du khách khác cũng lên tiếng về việc gặp phải tình huống tương tự. Dựa trên chính câu chuyện được chị M chia sẻ và thông tin trong bài viết, phóng viên cũng đã chủ động liên lạc với fanpage Khách sạn LAMER Thiên Cầm để đặt phòng. Không thể ngờ, những thông tin tư vấn và cả phiếu đặt phòng được phía khách sạn cung cấp đều có nội dung trùng lặp với bài đăng phản ánh.

Phiếu đặt phòng của phóng viên (ảnh trên) và phiếu đặt phòng của chị M có nội dung tương tự nhau dù phía khách sạn đã nhận tiền của chị M.

Theo chị M chia sẻ, chị đã chuyển tiền thành công tiền đặt phòng cho nhân viên tư vấn vào ngày 20/4 để đặt phòng cho chuyến đi từ 29/4-1/5 và nhận số phòng MNPZLAIO303. Tuy nhiên, ngày 21/4, phóng viên liên hệ đặt phòng nghỉ từ ngày 29/4-2/5 thì cũng nhận được mã số phòng đúng như trên phiếu đặt phòng của chị M. Điều này càng dấy lên nghi vấn về việc, nhóm đối tượng đang dùng cùng một chiêu thức để lừa nhiều khách hàng.

CẢNH BÁO "SẬP BẪY" ĐẶT PHÒNG ONLINE

Những phản ánh đồng loạt từ nhiều du khách đang dấy lên những nghi ngờ về sự minh bạch và uy tín trong hoạt động kinh doanh của Khách sạn LAMER Thiên Cầm. Việc khách hàng đặt niềm tin vào một cơ sở lưu trú nhưng lại nhận về những trải nghiệm không như mong đợi, thậm chí có dấu hiệu của sự thiếu trung thực, là điều khó có thể chấp nhận được trong ngành du lịch.

Về phía LAMER Thiên Cầm, mới đây, trên một trang facebook khác cũng có tên Khách sạn LAMER Thiên Cầm đã phát đi thông báo với nội dung: “Hiện nay, một số đối tượng đã giả mạo khách sạn LAMER nhằm trục lợi từ khách hàng. Đã có không ít khách hàng bị chiếm đoạt tiền bởi những đối tượng này, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của LAMER”.

Bài viết cũng đưa ra lời cảnh báo, khách hàng tuyệt đối không chuyển khoản cho các số tài khoản mang tên công ty tương tự nhưng có yếu tố nước ngoài như Đài Loan, Campuchia… hoặc khi có yêu cầu chuyển khoản thêm vì lý do sai mã thanh toán.

Không chỉ riêng, LAMER Thiên Cầm, mới đây, Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An cũng đăng bài cảnh báo khách hàng về đối tượng lập trang fanpage giả mạo nhằm lừa đảo khách hàng trong dịp du lịch cao điểm 30/4-1/5. Đơn vị này cảnh báo, khách hàng tuyệt đối không chuyển khoản, đặt phòng qua tin nhắn với các fanpage nghi ngờ giả mạo. Vinpearl chỉ xác nhận booking qua email trong trường hợp khách đặt phòng trên hệ thống Vinpearl.

Nhiều đơn vị lưu trú cảnh báo khách hàng về hành vi lừa đảo khi đặt phòng

Đáng chú ý, theo hình ảnh đơn vị chia sẻ, fanpage giả mạo lại còn lượt thích nhiều hơn fanpage chính thức bởi nhóm đối tượng lừa đảo thường sử dụng nhiều chiêu trò chạy quảng cáo thu hút người dùng.

Trước tình hình, nhiều người dân bị lừa, Công an thành phố Hà Nội phát cảnh báo người dân. Theo Công an thành phố Hà Nội, vào kỳ nghỉ hè sắp tới, việc đặt phòng đi du lịch trên mạng đang là xu hướng được nhiều gia đình lựa chọn. Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm, khách hàng sẽ nhanh chóng có được hàng loạt địa điểm khách sạn, hình ảnh lẫn giá cả dịch vụ liên quan trên mạng xã hội. Nắm bắt nhu cầu đó, các đối tượng lừa đảo đã lập các trang facebook giả mạo hoặc trang web của khách sạn để lừa nạn nhân chuyển tiền đặt cọc.

Khi khách du lịch liên hệ, các đối tượng sẽ liên lạc qua ứng tin nhắn Messenger hoặc Zalo để giới thiệu về các dịch vụ đi kèm mà khách du lịch quan tâm. Các đối tượng sẽ mời chào với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường), khiến du khách nhầm tưởng đối tượng là chủ hoặc nhân viên của khách sạn, villa, homestay…. Để tăng thêm sự tin tưởng cho khách du lịch, các đối tượng còn chụp hình, quay video thậm chí livestream khu nghỉ cho khách xem. Khi đồng ý với giá thuê phòng, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền cọc từ 30-50% giá trị thuê phòng để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn dịch vụ đặt phòng nghỉ trên mạng. Nên lựa chọn những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân hoặc các trang đặt phòng, khách sạn uy tín. Đặc biệt, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ; nên kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, lấy số điện thoại của khách sạn gọi xác minh trước khi chuyển tiền cọc. Cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn so với giá chung của thị trường.

Có thể bạn quan tâm