Sáng 16/4, Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2025 và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu Quốc gia Việt Nam với chủ đề “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo” đã diễn ra tại Hà Nội.
Chủ đề “Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo” nhấn mạnh vai trò của đổi mới trong chiến lược phát triển doanh nghiệp. Việc không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng mô hình kinh doanh sáng tạo giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường quốc tế. Đổi mới, sáng tạo không chỉ là động lực phát triển mà còn là yếu tố cốt lõi để thương hiệu Việt vươn xa.

Chia sẻ câu chuyện đổi mới sáng tạo và tái định vị thương hiệu, ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, yếu tố cốt lõi giúp Vinamilk tái định vị thương hiệu thành công là mọi sáng tạo, đổi mới đều có đích đến duy nhất là phục vụ người tiêu dùng. Ông Trí cũng khẳng định, tái định vị thương hiệu là di sản của Vinamilk trên con đường hình thành, tồn tại và phát triển gần 50 năm.
Bên cạnh đó, từ quá trình đổi mới sáng tạo của Vinamilk, ông Trí đúc rút bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ rằng, doanh nghiệp không nên cứ thấy người ta đổi mới mà đi theo, cần tìm ra tính riêng biệt của mình, khai phá nhu cầu tiềm năng từ chính khách hàng của mình. Đổi mới sáng tạo cần phải đi theo tính cá nhân hóa của khách hàng.
“Chúng tôi chăm sóc nhiều thế hệ người tiêu dùng với nguồn dinh dưỡng chất lượng cao, đó là điều không đổi. Giờ đây, chúng tôi tiếp tục đổi mới để nâng cấp, mở rộng các dòng sản phẩm cho phù hợp với nhiều nhóm người tiêu dùng hơn, khi xu hướng cá nhân hoá ngày càng cao”, ông Trí phát biểu.
Trở lại câu chuyện thực trạng đầu tư cho đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp hiện nay, theo dữ liệu từ Sách trắng Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, 100% doanh nghiệp thương hiệu quốc gia có bộ phần R&D và thường xuyên nghiên cứu và cải tiến sản phẩm hiện có, 85% doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia có sản phẩm mới ra mắt trong năm 2022 – 2023.
Cùng với đó, các doanh nghiệp này đã sử dụng khoảng 2,6% doanh thu để chi tiêu trung bình cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm.
Trước thực trạng này, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhận định, mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau về xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia và tùy từng thời kỳ, cách tiếp cận trong xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia có thể thay đổi.
Ông Chiến cũng đánh giá, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng và là yếu tố tích cực, hiệu quả tạo nên thương hiệu quốc gia. Đổi mới sáng tạo vừa là thách thức, vừa là cơ hội, quyết định sự thịnh vượng của doanh nghiệp, của quốc gia.
Năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023, theo dữ liệu từ Brand Finance. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Thương hiệu quốc gia là tài sản vô hình có giá trị chiến lược, phản ánh năng lực cạnh tranh tổng thể và vị thế của một quốc gia trong tiến trình hội nhập. Trong những năm gần đây, với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của doanh nghiệp, Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng.
Theo ông, đổi mới sáng tạo là chìa khóa nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, kinh tế số lan tỏa, xu hướng tiêu dùng xanh-sạch-thông minh lên ngôi, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng và tiên phong sáng tạo.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003 và giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai, là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất ở cấp quốc gia.
Với các giá trị cốt lõi: Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong, Chương trình đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao uy tín hàng hóa và dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, vai trò của thương hiệu quốc gia càng trở nên cấp thiết. Diễn đàn năm nay với chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam-Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo” tiếp tục khẳng định tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong xây dựng thương hiệu quốc gia thời kỳ mới.