Đây là chương trình được tổ chức thường niên, theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm vinh danh các DN đi tiên phong và đã đạt những thành tựu nhất định trong lĩnh vực phát triển bền vững. Đồng thời, chương trình có tác dụng khích lệ các DN chú trọng hơn tới phát triển bền vững, đặt ra kế hoạch và thực thi các chiến lược phát triển bền vững trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Hiện nay, phát triển bền vững đã trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết trong hoạt động kinh tế toàn cầu, trở thành yếu tố nâng cao nội lực của DN cũng như niềm tin của Chính phủ, khách hàng, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế…
Ông Nguyễn Quang Vinh, Ủy viên Ban thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBCSD cho biết, có rất nhiều nghiên cứu, khảo sát trên thế giới và tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, những DN PTBV là các DN có năng lực cạnh tranh, năng suất lao động cao hơn, khả năng thích ứng và hội nhập tốt hơn các DN chỉ hướng đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận mà bỏ qua trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường.
Cũng theo chia sẻ từ ban tổ chức, sự ra đời của Bộ chỉ số DN bền vững (CSI) có thể nói là bước đột phá bởi lần đầu tiên có một đơn vị lập ra bộ chỉ số này ở Việt N, được thiết kế dành riêng cho các DN Việt Nam. Ưu điểm của Bộ chỉ số CSI là dễ sử dụng, có thể áp dụng được với tất cả DN ở mọi loại hình, phạm vi và quy mô khác nhau.
Ông Đào Đình Thi - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt kiêm Phó Chủ tịch VBCSD cũng khẳng định, năm nay, các tiêu chí trong CSI đã được điều chỉnh nhằm đánh giá chính xác hơn mức độ phát triển bền vững của các DN. “Tuy nhiên vẫn tập trung vào 3 nhóm yếu tố trọng điểm là chỉ tiêu kinh tế, chỉ tiêu xã hội và môi trường với 151 câu hỏi, chia làm 2 phần: phần 1 là các chỉ tiêu chung; phần 2 là các chỉ tiêu cụ thể”.
Chương trình đánh giá DN PTBV được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016 với sự tham gia của hơn 400 DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên cả nước. Qua đó, 100 DN xuất sắc nhất đã được vinh doanh DN PTBV Việt Nam.
Ông Vinh cũng khẳng định thêm, với quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến gần 90% tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, bộ tiêu chí đánh giá năm nay được xây dựng đơn giản hơn năm ngoái và hướng vào đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, bộ tiêu chí cũng có thêm các tiêu chí về nền kinh tế tuần hoàn, những vấn đề về liêm chính, trao quyền cho phụ nữ hay tiêu chí tôn trọng quyền trẻ em trong nguyên tắc kinh doanh…
“Nhiệm vụ của ban soạn thảo là làm thế nào để bộ tiêu chí này được trở nên đơn giản hơn, áp dụng được vào cộng đồng doanh nghiệp cũng như tạo được sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam”, ông Vinh nhấn mạnh.
Từ nay cho đến cuối năm, cùng với những lễ phát động, cùng với những chương trình tuyên truyền về bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững, VCCI sẽ phối hợp với các Hiệp hội ở Việt Nam trong nước và nước ngoài tổ chức các lớp tập huấn ở các vùng miền, địa phương để các doanh nghiệp có thể hiểu rõ xây dựng báo cáo bền vững thông qua việc áp dụng Chỉ số bền vững này từ đó nhằm cải thiện về quản trị để quản lý sản phẩm trong chuỗi kinh doanh của doanh nghiệp.