Cho vay tiêu dùng: Sắp gặp khó với tiền mặt?

Theo NHNN, công ty tài chính phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng (cho vay tiền mặt) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng và không được phép cho vay tiền mặt
Cho vay tiêu dùng: Sắp gặp khó với tiền mặt?

Ngân hàng  Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TTNHNN (Thông tư 43) quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Dự thảo có một số nội dung đáng lưu ý và có xu hướng siết chặt hoạt động của công ty tài chính.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu dự thảo được thông qua, những quy định mới trong dự thảo sẽ tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng của ngành này.

Siết tiền mặt

Dự thảo ngoài việc siết chặt hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính còn chia hoạt động cho vay tiêu dùng thành 2 loại: Giải ngân thông qua bên thụ hưởng (bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ) và giải ngân trực tiếp cho khách hàng.

Theo đó, cho vay giải ngân gián tiếp là việc cho vay hỗ trợ mua hàng tiêu dùng, mua trả góp với các sản phẩm chủ yếu là xe máy, điện thoại, hàng điện máy… trong khi cho vay giải ngân trực tiếp là cho vay tiền mặt để phục vụ mục đích tiêu dùng.

Với khoản vay tiền mặt này, các công ty tài chính sẽ giải ngân tiền trực tiếp cho người vay thay vì giải ngân cho bên bán hàng như việc vay mua hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, dự thảo lần này quy định rõ các công ty tài chính chỉ được cho vay tiền mặt với những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt và không có nợ xấu theo thông tin trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC).

Điều này đồng nghĩa với việc các công ty tài chính không được phép cho vay tiền mặt với những khách hàng mới, không có thông tin tín dụng.

Lý giải về vấn đề này, NHNN cho rằng, cho vay giải ngân trực tiếp cho khác hàng có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, nên cần hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất cân đối tỷ trọng cho vay tiền mặt trên tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính tối đa là 30%, tức là cứ 100 đồng cho vay, các công ty này chỉ được phép cho vay 30 đồng bằng tiền mặt, còn lại phải là các khoản vay hỗ trợ mua hàng.

Theo CTCK HSC, quy định này có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của mảng cho vay tiêu dùng bởi trên thực tế những công ty tài chính lớn trên thị trường đều đang có tỷ trọng cho vay tiền mặt cao hơn tỷ lệ mà NHNN giới hạn trong dự thảo thông tư mới.

Theo tính toán của công ty chứng khoán này thì tỷ lệ cho vay tiền mặt cao nhất hiện nay thuộc về FE Credit với khoảng 80% dư nợ cho vay, trong khi tại Home Credit là 50% và HD Saison cũng là 40% đã vượt qua rất nhiều so với giới hạn trong dự thảo.

Ngay sau khi dự thảo được công bố để lấy ý kiến, nhiều người tỏ ra lo ngại quy định mới sẽ khiến người dân có nhu cầu khó vay tiền mặt ở các công ty tài chính. Điều này đang mâu thuẫn với chủ trương đẩy mạnh tài chính tiêu dùng, góp phần giảm tệ nạn “tín dụng đen”.

“ Bản chất của cả 2 loại hình vay tiêu dùng mà NHNN phân biệt đề phục vụ mục đích vay tiêu dùng của người dân nên việc phân biệt loại hình giải ngân là không cần thiết và khi đã không phân biệt thì đương nhiên sẽ không có hạn mức” TS. Lê Xuân Nghĩa.

Nên hay không?

Thực tế, vay tiêu dùng ở Việt Nam được dự báo là sẽ bùng nổ trong thời gian tới với dân số trẻ và nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Hiện, Việt Nam đã gia nhập nhóm có thu nhập trung bình trong giai đoạn 2014-2016.

Trong khi đó, các khoản vay tiêu dùng của Việt Nam không bao gồm vay thế chấp, chỉ đạt 23 tỷ USD trong năm 2017, tương đương gần 10% GDP cả nước.

Con số này khá thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, điển hình như  Thái Lan, nợ hộ gia đình của quốc gia này bao gồm cả vay thế chấp, tương đương gần 80% GDP.

Theo số liệu từ CIC, các công ty tài chính mới chỉ khai thác được 18 triệu trong số 38 triệu hồ sơ cá nhân do đó thị trường này đang có một tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 43 được thông qua có thể sẽ nảy sinh nhiều bất cập và kìm hãm sự phát triển của các công ty tài chính và thị trường tín dụng tiêu dùng.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc có những giới hạn trong quản lý là điều cần thiết nhưng không nên phân biệt các hình thức giải ngân trong cho vay tiêu dùng của công ty tài chính như dự thảo.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, bản chất của cả 2 loại hình vay tiêu dùng mà NHNN phân biệt đề phục vụ mục đích vay tiêu dùng của người dân nên việc phân biệt loại hình giải ngân là không cần thiết và khi đã không phân biệt thì đương nhiên sẽ không có hạn mức.

Ở phía ngược lại, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tài chính lại có ý kiến cho rằng, không phải tất cả những người đi vay đều biết cách tiêu tiền hoặc sử dụng khoản tiền vay đúng mục đích, một cách khôn khéo.

Trên thực tế, có một số người đi vay tiền nhưng không phải để tiêu dùng mà lại dùng số tiền vay để đánh bạc, chơi lô, chơi đề, tiêu hoang phí... dẫn đến không có khả năng trả nợ và nợ xấu tăng lên. Bên cho vay lại phải dùng các biện pháp cưỡng chế, và từ đó bên vay rất khó tiếp cận tín dụng do “lịch sử” tín dụng có “dấu vết”.

Đây chính là một vòng luẩn quẩn và rủi ro cần tính đến, cần hạn chế. Tuy nhiên, ông Lực cũng cho biết, tỷ lệ khống chế là cần thiết nhưng phải phù hợp và có lộ trình thì ngành tín dụng tiêu dùng vẫn có thể phát triển an toàn.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển kênh tín dụng tiêu dùng qua nhiều kênh phân phối khác như kênh ngân hàng thương mại, công ty fintech hay kể cả cho vay ngang hàng (với điều kiện có thiết chế quản lý phù hợp).

Đưa ra ý kiến về việc không cho vay đối với khách hàng không có lịch sử tín dụng trên CIC, theo ông Lực, quy định này cần tính đến tính khả thi bởi nhiều khách hàng chưa vẫn đang vay trả tốt tại công ty tài chính nhưng chưa có trong danh sách CIC.

Nguyễn Thùy

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...