Chủ tịch LienVietPostBank nói gì sau khi Him Lam thoái vốn?

Ngày 23/6, công ty Him Lam - cổ đông lớn và là cổ đông sáng lập - đã thoái toàn bộ vốn tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Chủ tịch LienVietPostBank nói gì sau khi Him Lam thoái vốn?

Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng: "Tất cả cán bộ nhân viên, từ vị trí bảo vệ đến Chủ tịch đều là cổ đông ngân hàng" 

Cụ thể, Him Lam đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng toàn bộ 96.770.800 cổ phiếu, không còn nắm giữ cổ phiếu nào của LienVietPostBank, đưa tỷ lệ sở hữu 14,98% trước đó về 0%.

Về sự kiện trên, ngày 27/6, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank khẳng định: “Him Lam thoái vốn không ảnh hưởng gì, mà kết quả kinh doanh LienVietPostBank chắc chắn tốt hơn những năm trước”.

Sau khi Him Lam thoái vốn, tại LienVietPostBank cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VnPost) với tỷ lệ sở hữu gần 15%.

Chủ tịch LienVietPostBank cho biết, cùng với giao dịch Him Lam thoái vốn, các cổ đông cá nhân, các thành viên Hội đồng Quản trị đã đồng loạt mua vào lượng lớn cổ phiếu, gia tăng tỷ lệ sở hữu và nắm giữ. Riêng tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Đức Hưởng và người có liên quan hiện đã lên mức 6%.

Cũng theo ông Hưởng, hiện các thành viên Hội đồng Quản trị, Ban điều hành LienVietPostBank vẫn đang tiến hành mua vào cổ phiếu. Và ở vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Hưởng nêu quan điểm: thời gian tới, chủ trương đưa ra là toàn bộ cán bộ nhân viên sẽ có và nắm giữ cổ phiếu, để LienVietPostBank trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam có tất cả cán bộ nhân viên, từ vị trí bảo vệ đến Chủ tịch Hội đồng Quản trị đều là cổ đông.

“Chúng tôi đưa ra chủ trương này nhằm để mỗi thành viên trong ngân hàng gắn kết, có trách nhiệm và lợi ích sát sườn đối với “nồi cơm chung” của mình”, ông Hưởng giải thích.

Với cổ đông và nhà đầu tư, Chủ tịch LienVietPostBank dự kiến ngay trong tháng 7/2017 sẽ đưa cổ phiếu ngân hàng lên giao dịch trên sàn UpCom, tiến tới đưa lên sàn niêm yết chính thức.

Về tương lai, khi không có sự đồng hành của Him Lam ở vai trò là cổ đông lớn, ông Nguyễn Đức Hưởng tin tưởng kết quả kinh doanh và định hướng chiến lược hoạt động của LienVietPostBank không bị ảnh hưởng, mà sẽ tiếp tục có kết quả tốt, cùng những chuyển biến mới.

Ước tính đến 30/6/2017, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank dự kiến đạt tới 900 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm (1.500 tỷ đồng). Với kết quả và triển vọng lợi nhuận, năm 2017 tỷ lệ cổ tức chi trả dự kiến sẽ ở mức 12%.

“Kết quả kinh doanh của LienVietPostBank 6 tháng đầu năm nay, cũng như thời gian tới sẽ rất thuyết phục. Chúng tôi sẽ đẩy nhanh hơn nữa các kế hoạch trọng điểm”, ông Hưởng nói.

Cụ thể, ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đến tận các xã, phường trên cả nước, qua hệ thống tiết kiệm bưu điện. Hướng ưu tiên đẩy mạnh đầu tư mà Chủ tịch LienVietPostBank nhấn mạnh là cạnh tranh mạnh phát triển “dịch vụ ngân hàng trên ngón tay cái”, ngân hàng điện tử.

“Chúng tôi xác định, tất cả từ con người, tất cả vì con người, với tôn chỉ “không có con người - dự án vô ích”. LienVietPostBank đặc biệt chú ý đến cơ cấu lại nhân sự mũi nhọn sản phẩm dịch vụ và công nghệ hiện đại, nên sẽ thuê nước ngoài hoặc tuyển một số vị trí là chuyên gia nước ngoài nhằm tạo đổi mới, đột phát triệt để”, Chủ tịch LienVietPostBank cho biết.

Theo Minh Đức/Vneconomy 

>> Him Lam đã thoái hết 15% vốn khỏi LienvietPostBank

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...