Chủ tịch Quốc hội nói tên "trạm thu phí" là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi. Nếu Bộ GT-VT cứ nghiên cứu rồi trình thì sẽ rất mất thời gian, không cần thiết.
Ngày 4 - 6/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ.
Ngay đầu giờ sáng đã có 36 đại biểu đăng ký chất vấn. Mở đầu phiên chất vấn các đại biểu: Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc); Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng làm rõ bất cập về số năm, vị trí đặt trạm thu phí BOT; trách nhiệm, giải pháp xử lý vấn đề chênh lệch cốt đường với nền nhà dân sau cải tạo; tiến độ thực hiện thu phí không dừng tại các trạm BOT; giải pháp phát triển giao thông vùng Tây Bắc;...
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt câu hỏi rằng về các dự án BOT và phương án xử lý hiện nay: "Bức xúc hiện nay là 17 dự án đặt thu phí sai, 3 dự án trong đó dân không đi vẫn phải trả tiền. Tôi thấy bộ trả lời theo kiểu dân chịu thì cứ thu?"
Trả lời đại biểu Hàm, bộ trưởng Thể cho rằng một số dự án do yếu tố lịch sử để lại, tuy nhiên với trách nhiệm của bộ thì bộ cũng sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Các dự án còn lại thì quá trình làm đã có sự tham gia của các bộ ngành nên bộ xem như việc đặt trạm đó là sự hợp lý, còn nếu muốn di dời thì cần phải có một khoản vốn rất lớn. Dự án đường cao tốc thì có khoản đầu tư rất lớn nên Chính phủ cũng đã cho phép mở thêm các trạm thu", ông Thể nói.
“Toàn bộ những việc này chúng tôi thực hiện theo đúng trình tự, có sự tham gia của địa phương. Hiện nay để giải quyết các trạm BOT mà đại biểu nêu thì nguồn vốn rất khó khăn, rất khó để có tiền mua lại. Chúng tôi muốn đại biểu lấy biểu quyết, nếu Quốc hội cho thì chúng ta sẽ lấy tiền mua lại. Hiện giờ thì chúng tôi rất mong cử tri, đại biểu hết sức thông cảm cho bộ”.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm - Phú Thọ
Đại biểu Lý Tiết Hạnh hỏi lại rằng đường quốc lộ là đường vĩnh cửu, vậy mà cùng một thời điểm Quảng Ngãi, Phú Yên đường rất tốt, ngược lại Bình Định thì phải chở? Chờ đến bao giờ?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lý Tiết Hạnh về QL1 qua Bình Định, ông Thể cho biết một số đoạn đường ở đây rất xấu, sau khi hoàn thành nâng cấp trải qua một giai đoạn thời tiết rất khắc nghiệt, năm 2016 bão lũ nhiều, mùa hè lại nắng nóng.
"Với điều kiện đó dẫn tới hoạt động của mặt đường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số hiện tượng như xe quá khổ quá tải chưa ngăn chặn được... dẫn tới QL1 qua Bình Định bị hư hỏng", ông Thể nói.
"Bộ đã chỉ đạo duy tu bảo dưỡng, nhưng kinh phí duy tu sửa chữa rất hạn chế, chỉ đáp ứng 30% nhu cầu, việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn, do đó chưa đáp ứng được. Bộ GT-VT đã cho Tổng cục đường bộ xử lý một cách triệt để, đòi hỏi một khoản kinh phí lớn, chúng tôi sẽ có gằng trong khả năng và từ nguồn trung ương bố trí thêm".
Ông Thể cũng nói việc này liên quan đến nhiều bộ ngành nên chưa thể trả lời đến khi nào mới xử lý xong "mong đại biểu thông cảm"
Về chuyện trên địa bàn Bình Định có đến 3 trạm BOT, ông Thể cho rằng việc này bám sát theo nghị định 159 của Bộ Tài chính, quy định là khoảng cách bình thường giữa 2 trạm BOT là 70km, còn dưới 70km thì có thỏa thuận với địa phương.
"Và việc này đã được UBND tỉnh Bình Đình có sự đồng ý. Tuy nhiên tôi cũng đánh giá là một số nơi trạm BOT còn dày, bà con cũng khó khăn. Tôi kính mong đồng bào cử tri, nhất là tỉnh Bình Định thông cảm. Chúng tôi ưu tiên giảm giá, để chi phí xã hội thấp nhất".