Chủ tịch SHI: Bài học xương máu “không bỏ trứng vào một giỏ” sau cú sốc bị Mỹ áp thuế 15 năm trước

Từng mất trắng thị trường ở Nga bởi những nguyên nhân khách quan, bằng chiến lược khôn khéo, Sơn Hà đã nhanh chóng mở rộng thị trường và hiện tại đã lấy lại gấp đôi thị phần xuất khẩu tại Nga…

Sáng 25/4, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã chứng khoán: SHI) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Ban lãnh đạo công ty đã báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu doanh thu thuần đạt 11.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 116 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước.

CHỦ ĐỘNG ĐA DẠNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU TỪ 15 NĂM TRƯỚC

Trong phiên thảo luận, nội dung được phần đa cổ đông bày tỏ sự quan tâm tập trung chủ yếu vào vấn đề chính sách thuế quan và những xung đột toàn cầu có ảnh hưởng gì đến hoạt động của SHI.

Giải đáp thắc mắc liên quan đến nội dung này, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHI cho biết, đối với chính sách thuế quan của Mỹ đợt này, Sơn Hà không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đây không phải lần đầu tiên Sơn Hà nhận tác động từ các chính sách thương mại của Mỹ.

“Từ 15 năm trước, Sơn Hà từng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Khi đó, toàn bộ xuất khẩu gần như chỉ phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Bị đánh thuế, chúng tôi buộc phải chuyển hướng toàn bộ hoạt động sang các thị trường khác. Từ một doanh nghiệp chỉ xuất vào Mỹ, đến nay Sơn Hà đã xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia. Đó là thành quả từ một cú sốc lớn - và cũng là bài học cho chiến lược "không bỏ trứng vào một giỏ".

Không riêng gì với Mỹ, với tất cả thị trường nước ngoài, dù có tốc độ tăng trưởng cao nhưng doanh nghiệp quyết tâm khống chế sản lượng để không bị phụ thuộc. “Ấn Độ là ví dụ điển hình, dù sản lượng xuất khẩu vào đây hiện nay tăng rất mạnh, chúng tôi vẫn chủ động khống chế tỷ trọng ở mức 40%, và tiếp tục hạ xuống 30%. Nếu một ngày nào đó Ấn Độ áp thuế như Mỹ từng làm, thì mất 30% vẫn còn 70% từ các thị trường khác - đó là cách để Sơn Hà sống sót và phát triển bền vững”, ông Lê Vĩnh Sơn khẳng định chiến lược.

Bài học này cũng được vận dụng vào trường hợp xảy ra với một thị trường xuất khẩu khác rất tiềm năng của Sơn Hà là Nga. Vào thời điểm 3 năm trước, khi chiến tranh xung đột xảy ra, cả Nga và Ukraina dừng hoàn toàn việc nhập khẩu hàng của Sơn Hà. Rất nhanh sau đó, doanh nghiệp tái cấu trúc thị trường, tích cực tìm kiếm các điểm đến thay thế. Bằng chiến lược tham gia nhiều hội chợ quốc tế như ở Hà Lan và Đức - những địa điểm thu hút lượng lớn khách hàng trên toàn cầu. Sau đó, họ tiếp tục mở rộng sang Mexico với mục tiêu tiếp cận thị trường Bắc và Nam Mỹ.

Sắp tới công ty còn chuẩn bị tham gia hội chợ ở Ai Cập để khai thác khu vực Bắc Phi và Trung Đông và đặc biệt là tại Ấn Độ - một thị trường đang nổi lên như một trung tâm thay thế Trung Quốc.

Ngoài ra, Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn cũng thừa nhận trách nhiệm của ban lãnh đạo công ty khi để xảy ra tình trạng tăng trưởng doanh thu lớn nhưng lợi nhuận không tăng tương ứng.

“Doanh thu năm nay của tập đoàn đã vượt mốc 10.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ mảng xuất khẩu tăng mạnh và ổn định. Dòng tiền thu về tốt, tạo nền tảng để tiếp tục đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, đúng là lợi nhuận chưa cải thiện tương xứng, vì chi phí vẫn còn cao, và có nhiều yếu tố ăn mòn biên lợi nhuận. Tôi thừa nhận đây là trách nhiệm của ban điều hành, và chắc chắn sẽ có các bước điều chỉnh dần để cải thiện lợi nhuận trong thời gian tới”, ông Sơn cam kết

TỰ TIN HOÀN THÀNH MỤC TIÊU TRONG BỐI CẢNH KHÓ KHĂN

Giữa những "cơn gió ngược" đầy thách thức của kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2024, Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Sự ứng phó linh hoạt và nỗ lực tối ưu hóa vận hành đã giúp doanh nghiệp vững vàng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và đạt được hiệu quả ấn tượng.

SHI dự kiến đầu tư thêm dây chuyền hiện đại phục vụ năng suất tăng cao

Tổng kết năm 2024, doanh thu thuần hợp nhất của Sơn Hà đạt 11.257 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 108 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 83%, lần lượt vượt 14% kế hoạch doanh thu và 74% kế hoạch lợi nhuận năm. Động lực tăng trưởng đến từ hai lĩnh vực kinh doanh cốt lõi: hàng gia dụng và sản xuất công nghiệp.

Năm 2025, nhận định bối cảnh kinh tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp phải duy trì tư duy linh hoạt, nhạy bén và chiến lược phát triển bền vững, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 11.800 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2024; lợi nhuận sau thuế hợp nhất kỳ vọng đạt 116 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm trước.

Tuy nhiên, giữa những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế toàn cầu, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Sơn Hà, nhiều cổ đông cũng bày tỏ quan ngại, liệu mục tiêu năm 2025 của ban lãnh đạo công ty quá tham vọng.

Giải đáp nỗi lo của cổ đông, ông Phạm Thế Hùng, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc thường trực SHI khẳng định: “Tôi hoàn toàn tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2025. Không chỉ đạt được, chúng tôi còn đặt mục tiêu phấn đấu để vượt chỉ tiêu, tăng trưởng mạnh mẽ hơn”.

Tự tin về chiến lược, nhưng ban lãnh đạo SHI vẫn thể hiện sự thận trọng, không chủ quan, bởi bối cảnh hiện tại có nhiều biến động.

“Năm nay, với những bước đi bài bản và chiến lược rõ ràng, tôi có cơ sở để kỳ vọng rằng kết quả sẽ tích cực. Ví dụ như mảng sản phẩm bình nước, SHI đã xuất khẩu thêm được sang ba quốc gia mới. Nhu cầu tăng nhanh đến mức ban lãnh đạo đang phải tính đến việc đầu tư thêm dây chuyền mới, vì dây chuyền hiện tại đã gần chạy hết công suất”, ông Hùng nói thêm.

Ông Nguyễn Đình Quý, Phó Tổng giám đốc SHI bổ sung thêm thông tin, ước đạt doanh thu quý 1/2025 đã đạt 2.500 tỷ và lợi nhuận vào khoảng 21 tỷ, đạt tốc độ tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm 2024, động lực chính đến từ mảng công nghiệp với hoạt động xuất khẩu và thị trường nội địa đều khá ổn định.

Có thể bạn quan tâm