
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của TikTok Shop đang rất thu hút các thương hiệu và người bán hàng, nơi sự kết hợp giữa giải trí và mua sắm diễn ra một cách tự nhiên và hiệu quả. Để không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận hàng triệu người dùng năng động này, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh.
NGƯỜI TIÊU DÙNG MUA HÀNG THEO CẢM XÚC
Suốt một thời gian dài, khái niệm “hàng giá rẻ” đã gắn liền với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… Những chiêu thức giảm giá sâu, freeship từng làm nên "cơn địa chấn" thu hút người tiêu dùng thì nay đã trở nên quá đỗi bình thường trong mắt người tiêu dùng.
Giờ đây, động lực mua sắm của người không chỉ đến từ bài toán kinh tế, mà còn được "chắp cánh" bởi những cảm xúc thăng hoa. Người tiêu dùng tìm kiếm những trải nghiệm mua sắm thú vị qua các phiên live bán hàng trực tiếp, những phút giây giải trí bất ngờ trên các nền tảng như TikTok Shop, nơi những thước phim ngắn cuốn hút có thể khơi gợi ham muốn sở hữu một cách đầy tự nhiên và khó cưỡng.
Chia sẻ cùng nền tảng phân tích dữ liệu thị trường YouNet ECI, bà Nguyễn Thị Yến Xuân, Quản lý thương mại điện tử doanh nghiệp - Tiếp thị & Dinh dưỡng Nestlé Việt Nam nêu quan điểm, việc TikTok Shop gia nhập thị trường đã mang đến một sự thay đổi đáng chú ý cho ngành thương mại điện tử, với điểm nhấn là xu hướng "shoppertainment" – sự kết hợp giữa mua sắm và giải trí đầy hứa hẹn.
Điều này được nhìn nhận không chỉ là sự bổ sung một kênh phân phối mà còn là một cánh cửa mở ra những phương thức tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách sáng tạo và mang lại hiệu quả cao hơn cho các doanh nghiệp.
Yếu tố làm nên sự khác biệt của TikTok Shop nằm ở khả năng đơn giản hóa đáng kể hành trình mua sắm của người tiêu dùng. Thay vì trải qua nhiều bước phức tạp, khách hàng giờ đây có thể mua hàng ngay lập tức chỉ sau khi xem một video ngắn có gắn sản phẩm. Điều này được cho là nhờ vào sự ảnh hưởng và uy tín mà các nhà sáng tạo nội dung đã xây dựng, tạo động lực mạnh mẽ cho hành vi mua sắm nhanh chóng.
Đối với các thương hiệu, TikTok Shop được nhìn nhận là một kênh tiềm năng để tiếp cận đối tượng mục tiêu và thúc đẩy doanh số một cách hiệu quả trong thời gian ngắn. Hệ thống đề xuất nội dung của TikTok được đánh giá cao trong việc kết nối nhãn hàng với đúng người dùng dựa trên sở thích của họ.
Bí quyết thành công của thương hiệu nằm ở khả năng sáng tạo nội dung phù hợp, tận dụng thuật toán TikTok để tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
“CHÌA KHÓA” THÀNH CÔNG CHO DOANH NGHIỆP
Sự thành công của một thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là trong bối cảnh TikTok Shop đang nổi lên mạnh mẽ, phụ thuộc rất lớn vào việc doanh nghiệp đó có thực sự thấu hiểu vai trò của nền tảng này trong toàn bộ hành trình mua sắm của khách hàng hay không. Bên cạnh đó, việc đánh giá tính tương thích và tiềm năng phát triển của ngành hàng cụ thể trên kênh TikTok cũng được xem là một yếu tố then chốt, quyết định đến khả năng gặt hái thành công của thương hiệu.
Theo bà Xuân, TikTok có những quy định kiểm duyệt nội dung khá nghiêm ngặt, đặc biệt đối với một số ngành hàng nhạy cảm. “Ví dụ, trong ngành sữa, các nội dung liên quan đến bệnh lý thường không được phép xuất hiện trên TikTok, do đó việc xây dựng gian hàng trên nền tảng này sẽ gặp nhiều hạn chế. Tương tự, với những ngành hàng như dược phẩm, nếu thuật toán của TikTok không hỗ trợ quảng bá nội dung liên quan, việc tham gia vào TikTok Shop sẽ trở nên không phù hợp và không hiệu quả”, chuyên gia lĩnh vực thương mại điện tử chia sẻ thêm.
Để chuẩn bị gia nhập “sân chơi” này, thương hiệu cần tránh rơi vào tâm lý “FOMO” – tham gia vào mọi nền tảng chỉ vì nó đang thịnh hành. Thay vào đó, doanh nghiệp nên đánh giá cẩn thận vai trò của kênh trong hành trình mua hàng của khách hàng, thiết lập kỳ vọng và mục tiêu rõ ràng, đồng thời tiếp cận một cách khoa học. Điều này giúp tối ưu hóa hiệu quả của bất kỳ kênh mới nào, không chỉ riêng TikTok Shop.
Mặc dù livestream là một tính năng đặc trưng và thu hút của TikTok Shop, nhưng hiệu quả thực tế của nó lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thực tế chứng minh, đối với một số lĩnh vực kinh doanh và mục tiêu cụ thể, livestream có khả năng trở thành một "vũ khí" lợi hại để tăng trưởng doanh số. Tuy nhiên, nếu việc triển khai livestream không phù hợp với bản chất sản phẩm hoặc hành vi mua sắm của đối tượng khách hàng, thì việc đầu tư vào nền tảng TikTok Shop có thể không đạt được giá trị tương xứng.

Quý 1/2025, TikTok Shop đã có những bước chuyển đáng kể khi vượt Shopee, vươn lên dẫn đầu tốc độ tăng trưởng của các sàn thương mại điện tử. Theo dữ liệu Báo cáo thị trường thương mại điện tử quý 1/2025 của nền tảng phân tích dữ liệu Metric cho biết doanh số giao dịch (GMV) của 4 sàn lớn nhất là Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đạt 101.400 tỷ đồng, tăng hơn 42% so với cùng kỳ 2024.
TikTok Shop chứng kiến tăng trưởng mạnh nhất, đến 113,8%, giúp thị phần mở rộng lên 35% từ mức 23% cùng kỳ 2024. Shopee vẫn giữ "ngôi vương" thị trường nhưng thị phần đã thu hẹp còn 62% so với mức 68% hồi quý 1/2024. Nguyên nhân do "sàn cam" tăng trưởng GMV chậm hơn, ở mức hơn 29%.
Đáng chú ý, Lazada và Tiki tiếp tục chứng kiến hoạt động thu hẹp, lần lượt giảm 43,5% và 66,6% doanh số. Kết quả, Lazada hiện chỉ còn chiếm 3% thị phần và Tiki đã rất bé để ghi nhận thị phần trong báo cáo của Metric.
Metric lý giải hai sàn này lép vế do đối diện thách thức từ nền tảng nội dung, chưa tối ưu trải nghiệm người dùng và khả năng tạo hiệu quả kênh bán. Diễn biến thị trường quý 1 phản ánh rõ xu hướng dịch chuyển hành vi mua sắm sang các nền tảng giải trí - mua sắm tích hợp của người tiêu dùng Việt Nam.
TikTok Shop tăng trưởng cho thấy người tiêu dùng đang ưu tiên lựa chọn những hình thức mua sắm qua video ngắn. Đồng thời các sàn truyền thống phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. "Sự dịch chuyển nhanh chóng của người tiêu dùng sang nền tảng nội dung như TikTok Shop là tín hiệu quan trọng cho các sàn trong việc định hướng phát triển sắp tới", Metric lưu ý.