Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành: 'Tôi nhìn thấy 2019 có rất nhiều cơ hội'

"Tôi nhìn thấy có rất nhiều cơ hội trong 2019, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, việc ông Trump cấu trúc lại cán cân thương mại là chuyện cần thiết phải làm", ô
Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành: 'Tôi nhìn thấy 2019 có rất nhiều cơ hội'

Phần chia sẻ của ông Đặng Văn Thành đã “tiếp lửa” rất nhiều cho hơn 300 doanh nhân có mặt tại hội thảo, nâng cao tinh thần “trách nhiệm phải tồn tại” trước những cơn sóng lớn 2019.

Trong hội thảo Vietnam Business Outlook 2018 do Group Quản lý doanh nghiệp phối hợp với TheLEADER tổ chức vừa qua, khác với cái nhìn khá bi quan của TS. Vũ Thành Tự Anh về viễn cảnh kinh tế 2019, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC nhận định lạc quan hơn về những cơ hội cho doanh nghiệp nhìn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, để cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và các nước.

“Tính đến thời điểm này, TTC đã hoàn thành cơ bản kế hoạch năm 2018. Dưới nhãn quan một doanh nhân, tôi lại nhìn thấy có rất nhiều cơ hội, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, việc ông Trump cấu trúc lại cán cân thương mại là chuyện cần thiết phải làm vì hầu hết sản phẩm bán ở Hoa Kỳ lật ra đằng sau đều là Made in China.

Tôi đồng ý với nhận định của TS. Vũ Thành Tự Anh về việc chúng ta đã “mở cửa” hết sức có thể nhưng lại chưa tận dụng được hết các cơ hội từ các hiệp định song phương, đa phương. Ở chiều ngược lại, các nước lại càng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường Việt Nam, như thế, sức ép cho doanh nghiệp ngay tại thị trường nội địa tăng gấp đôi, bản thân doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong quy luật sinh tồn.

Nhìn vào các chu kỳ của kinh tế, năm 1997 xảy ra khủng hoảng với châu Á, lúc đó Việt Nam chưa ảnh hưởng gì lắm, năm 2019 cũng rơi vào chu kỳ kinh tế, nếu khủng hoảng xảy ra sẽ ảnh hưởng ngay lập tức vì thị trường chúng ta đã mở hết cỡ rồi với bên ngoài. Vấn đề còn lại là nhận thức, ý chí doanh nhân chúng ta.

Tôi không bi quan vì bất cứ ngành nghề nào cũng có người thịnh người suy, trong cấu trúc thương mại này, lợi thế người đi sau chính là sức mạnh của chúng ta. Vì vậy, hơn lúc nào hết cần một đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh, tầm nhìn để điều hành doanh nghiệp.

Vấn đề quan trọng, nền tảng nhất là giữ được thị trường 90 triệu dân này, cũng như việc mà nước Mỹ phải làm, nỗ lực để cân bằng cán cân thương mại với các nước là điều mà Việt Nam phải hướng tới. tất nhiên nghèo thì phải nhập thiết bị máy móc nhưng nhập hàng về mà đẩy nợ, không tạo ra sản phẩm thì rất nặng nề.

Trách nhiệm của Nhà nước, các cấp quản lý và bản thân doanh nghiệp là phải cân bằng cán cân thương mại bằng sản phẩm. Đó chính là sự tự tin của chúng ta, là sức mạnh nội lực của nền kinh tế, để tạo ra sản phẩm, của cải cho xã hội, người dân Việt Nam và cho toàn cầu.

Điển hình có thể thấy như trường hợp của anh Lý Ngọc Minh với công ty gốm sứ Minh Long 1, đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0, nhập công nghệ, robot, nguyên liệu về để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho khách hàng, mẫu mã đẹp, giá thành vừa phải, nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên”.

Nhấn mạnh vai trò tiên phong của doanh nhân để vượt qua thách thức 2019, ông Đặng Văn Thành nói: “Doanh nhân là sự phân công của xã hội, lý tưởng kinh doanh phải thấm vào trong máu, đó là luôn phải nghĩ cái gì tốt cho xã hội, giải quyết công ăn việc làm, nộp ngân sách.

Năm 2019 theo tôi những ngành có thể chen chân được, có lợi thế như may mặc, sắt thép, thủy hải sản có thể là nơi thay thế cho nhà cung ứng từ Mỹ, Trung Quốc sang. Hiện đã có sự chuyển dịch, các KCN nhà đầu từ nước ngoài từ Trung Quốc sang làm nhà máy rất nhiều. Bản thân TTC có mảng KCN, các nhà đầu tư cũng đang vào nhiều.

Về phía quản lý Nhà nước, rất cần các hiệp hội nghiên cứu trở lại để hỗ trợ về chính sách, cơ chế, để các luật lệ đi vào cuộc sống, không thể tồn tại mãi tình trạng giữa chính sách và thực tế có khoảng cách quá lớn như nhiều năm nay.

Trong việc điều hành một tập đoàn với 5 ngành chủ đạo là năng lượng, nông nghiệp sạch, du lịch, giáo dục, bất động sản, tôi thấy rất rõ rằng chỉ cần Nhà nước để cho quy luật thị trường được vận hành một cách triệt để sẽ giúp cho doanh nghiệp được cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, từ đó phát triển bền vững, chứ đừng bảo hộ.

Bảo hộ ngả này thì gây khó khăn cho ngả khác, ví dụ như bảo hộ đường thì bánh kẹo ảnh hưởng theo sau, đâu có tăng trưởng được; kinh tế thị trường mà dùng biện pháp hành chính, bảo hộ sẽ gây méo mó, tác dụng ngược.

Tôi cảm giác doanh nhân Việt Nam độ uyển chuyển rất giỏi, cũng giống như người lái xe taxi vậy, vậy uyển chuyển như thế nào là cách của mỗi người để vượt qua các thách thức. Theo tôi, không có doanh nghiệp nhỏ hay lớn, chỉ có làm tốt hay không tốt. Có những doanh nghiệp xuất phát điểm rất thấp nhưng đã vượt lên trở thành mô hình tập đoàn.

Ngày xưa Sacombank vốn điều lệ chỉ có 3 tỷ đồng, nếu sợ khi nhìn vào vốn điều lệ của các ngân hàng khác như Vietcombank, Agribank… thì không làm nổi đâu, phải làm theo cách của mình.

Năm 2019, M&A còn nổ ra nhiều hơn nữa, đi vào đời sống kinh tế Việt Nam, tạo nên một lực đẩy mới cho các ngành nghề. Người làm M&A phải chuẩn bị tiềm lực rất kỹ để chọn đúng thời điểm, bán hay mua được, hoặc có thể làm vệ tinh, giúp mình đốt cháy giai đoạn với giá tốt nhất.

Chai nước uống hương mía Miaqua quý vị đang uống được tinh chế từ nguyên liệu xưa giờ bỏ, để tăng năng lực cạnh tranh cho cây mía, ngoài bã mía tận dụng làm điện, chúng tôi đã tận dụng bốn ngọn mía làm ra lon Miaqua.

Cạnh tranh là chuyện hết sức bình thường, nói theo kiểu dân gian, không cạnh tranh không có đã. Vấn đề là tùy theo điều kiện, môi trường, sự tồn tại của doanh nghiệp vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của doanh nhân. Tôi sẵn sàng chia sẻ những đúc kết 40 năm cuộc đời doanh nhân với các bạn”.

Vậy theo ông, ngành nghề nào đang chịu sự thách thức lớn nhất từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Với tôi, trong thách thức luôn có cơ hội, thời buổi 4.0 rồi, đừng quá lo xa, hãy tự tin làm tốt trách nhiệm với ngành nghề của mình.

Khi những mặt hàng từ Trung Quốc không vào được Mỹ, liệu đó có là cơ hội cho các sản phẩm của Việt Nam tấn công sang thị trường Mỹ không thưa ông?

Mình phải tính đến những mặt hàng Trung Quốc không xuất được dồn về đây, vì bây giờ là sân chơi bình đẳng, không còn biên giới nữa. Trừ những ngành nghề, sản phẩm đặc biệt mình có lợi thế xuất khẩu thì nên mạnh dạn, còn những sản phẩm vừa có thể bán nội địa, vừa xuất khẩu, tôi khuyên nên lấy thị trường 90 triệu dân làm nền tảng đã, rồi hãy đem chuông đi đánh xứ người, vì chúng ta có lợi thế rất nhiều về logistics, ngôn ngữ, thị phần, mình phải đứng vững.

Như hồi xưa khi làm Sacombank, chính sách cho vay của tôi là “Lấy nông thôn bao vây thành thị”, phân tán vốn về nông thôn hết, lợi nhuận đó đủ sức tập trung để cho vay ở thành thị, đó là chiến thuật của tôi. Nói gì thì nói, 90 triệu dân này chính là thị trường cho những ngành không có lợi thế xuất khẩu, phải cân nhắc điều này trong thời gian tới để đưa được sản phẩm đến các kênh phân phối. Công tác quản trị, kiểm soát và điều hành phải chuyên nghiệp hơn để tăng năng lực cạnh tranh, đó là chân lý bất di bất dịch rồi.

Tôi xin kể một câu chuyện, ngày hôm qua tôi có cuộc họp về phương pháp làm sao giảm thiểu tối đa kiểm soát về chi phí với 5 ngành của TTC. Một CFO khiến tôi rất thích thú khi anh ấy cho rằng: CFO phải kiểm soát tốt nhất về kinh doanh, có nhãn quan về thực tiễn để quan sát, phát hiện tất cả những chi phí bất hợp lý. Suy cho cùng, CFO chính là “cánh tay phải” của lãnh đạo, kiểm soát được chi phí, giữ được năng lực cạnh tranh thì dù ở bất cứ thị trường nào cũng tự tin, đó là cái nhìn khoa học của người làm kinh tế.

Chiều ngược lại, những sản phẩm như đậu nành, thức ăn gia súc… từ Mỹ vào Trung Quốc với giá cao hơn có mở rộng cơ hội cho Việt Nam hay không?

Trong chiến lược về nông nghiệp, ông Trump đã có sự chuyển dịch rồi, ví dụ như đậu nành Mỹ đã chuyển qua Brazin vì diện tích trồng mía của Brazin đã công bố giảm để chuyển qua trồng đậu nành.

Cơ hội đó cũng có thể đến với Việt Nam nhưng thách thức với mình là vấn đề cơ giới hóa và hạn điền, những doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp đều đối diện với hai trở ngại lớn này. Kinh tế phát triển đều tập trung về thành thị hết nên lao động phổ thông ở nông thôn rất khó khăn.

Để kiểm soát được chi phí liên quan đến cánh đồng mẫu lớn, thiết kế đồng ruộng, nếu không thiết kế lại đồng ruộng thì không thể cơ giới hóa được. Mùa mía tới giờ không có người đốn, bắt buộc phải dùng máy nhưng máy móc lại cần cánh đồng mẫu lớn.

Jack Ma từng nói tương lai gần cuộc chơi sẽ thuộc về các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì họ tiếp cận được với công nghệ mới, khi chuỗi cung ứng và logistics được chia sẻ, họ uyển chuyển và linh hoạt hơn nhiều. Đối với một tập đoàn đa ngành, ông chia sẻ điều gì với nhận định đó của Jack Ma? Liệu điều đó có xảy ra ở Việt Nam?

Tôi đồng tình với Jack Ma, thực sự trong kinh tế thị trường, những doanh nghiệp cực nhỏ phục vụ thị trường cực nhỏ, như ông bà mình thường nói là “lấy công làm lời” trong giai đoạn chuyển tiếp. Còn doanh nghiệp lớn có độ phủ sóng lớn, chi phí thấp tối đa, lợi nhuận cao.

Xu thế M&A gần đây phát triển mạnh chính là giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp để lớn mạnh trong thời gian ngắn nhất. Thương mại điện tử cũng là cơ hội cho thị trường tiếp cận khách hàng gần gũi hơn, tùy quy mô mà chọn cho mình bước đi thích hợp, lấy công làm lời trong giai đoạn chuyển tiếp lên tầm vóc mới.

Thị trường, thị phần có nhiều phân khúc, chọn phân khúc nào thích hợp với mình để phát triển lên, tự tin làm cho tốt. Là doanh nghiệp nhỏ, mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát, công việc xuất phát từ thế mạnh của mình, nên rất có lợi thế. Còn các tổ chức lớn thì có hệ thống phân phối nên nhiều lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ không làm nổi đâu, chỉ làm vệ tinh thôi.

Ví dụ như trước đây ngân hàng lớn cho vay phân tán theo đề án, 5 triệu, 10 triệu cũng cho vay nhưng đi vào những vùng đụng vào quỹ tín dụng doanh nhân làm sao địch lại, phải bắc cầu qua họ, hợp tác với họ. Các doanh nghiệp nhỏ cũng phải hợp tác với nhau, vì phân khúc của bạn doanh nghiệp lớn không đủ chi phí và quản lý để vào được.

Doanh nghiệp nhỏ muốn trở thành giỏi phải có chiến lược tốt. Xây dựng trên nền tảng đã có, đang có, sẽ có, đi bằng phương tiện gì, kiểm soát từng năm một, có đội ngũ được đào tạo. Người lãnh đạo phải có tâm, tầm, biết cách tầm soát; tầm soát là tiêu chí quan trọng đòi hỏi có định hướng. Quốc gia xây dựng định hướng 50 năm, doanh nghiệp phải xây dựng định hướng ít nhất là 5 năm.

Theo ông, là doanh nghiệp có nên bỏ hết trứng vào một giỏ?

Đã là doanh nghiệp, cơ hội đến là làm, hãy tự tin tiếp cận với những cơ hội mới, nhưng cái gì cốt lõi mình vẫn phải giữ, đó là “nồi cơm” của mình, cần đứng trên nền tảng căn bản trước. Một tập đoàn có thể sản xuất từ đồ chơi trẻ em đến máy bay.

Ông có lo ngại làn sóng đầu tư từ Trung Quốc sẽ là nguy cơ đối với môi trường của Việt Nam một lần nữa?

“Không trả giá môi trường bằng mọi giá”, Chính phủ đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng, nghiêm túc như thế. Trách nhiệm của doanh nhân là phải cẩn thận với công nghệ lạc hậu, kể cả tiếng ồn. Lợi thế người đi sau chính là cơ hội để nhập công nghệ tiên tiến hơn.

Không lý do gì mình làm giàu mà người khác khổ, điều đó không bền vững đâu, phải nâng cấp sản xuất của mình lên, vì quản lý nhà nước về môi trường rất chặt chẽ. Còn nơi nào dùng quan hệ làm lợi thế cạnh tranh, khái niệm hai sổ sách thì không thể làm lớn được, không thể tiếp cận dòng vốn được bằng lợi thế tiêu cực đó.

Vậy theo ông, doanh nghiệp phải chuẩn bị điều gì cho năm 2019 đầy thách thức này?

Cạnh tranh là hết sức bình thường, có cạnh tranh mới “đã”, làm sao tạo năng lực cạnh tranh thực sự. Mỗi lần khủng hoảng kinh tế là mỗi lần đối diện với khó khăn, nếu biết quản trị tốt sẽ vượt qua ảnh hưởng của nó, còn không sẽ bị suy kiệt, bị đào thải ngay, đó là quy luật.

Rất nhiều doanh nghiệp Việt đã bị chết lâm sàng sau cơn khủng hoảng, nhân viên có thể nghỉ làm, doanh nhân đâu có thể nghỉ được ngày nào.

Từ mía đường là ngành cốt lõi, TTC đang chuyển sang nông nghiệp sạch, năng lượng xanh, sạch, gar, dốc sức cho năng lượng gió, nắng… Năng lượng sạch là xu thế vì chúng ta nằm trên đường xích đạo, nắng gió rất tốt, giá thành rẻ, chiếm đất ít.

Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam chứ không chỉ riêng tôi. Chúng tôi liên kết với ngân hàng thế giới để cấu trúc lại ngành nông nghiệp, chọn giải pháp đồng hành với nông dân, lời ít chút mà có lợi cho đất nước.

Nếu bạn có 20 tỷ đồng, hãy chọn cây nào hợp với địa bàn mà bạn có thể kiểm soát được, còn nông nghiệp trồng đại trà thì không thể, sản xuất sâu là quan trọng nhất. Nền kinh tế tri thức công nghệ là bắt buộc rồi, về con người, tất cả các rủi ro đều là khẩu vị và dự phòng được, nhưng con người là rủi ro của mọi rủi ro, là tài sản doanh nghiệp nhưng không phải là sở hữu của doanh nghiệp.

Nên tôi xây dựng đội ngũ hiền tài chiếm đa số trong doanh nghiệp là yên tâm lực lượng cơ hữu không có thì rất nguy hiểm. Muốn thế, phải có thời gian trồng, bón phân, đừng phát triển vội vàng khi chưa kiểm soát được đội ngũ hiền tài, không có đội ngũ hiền tài cơ hữu thì bày ra cho họ ăn họ còn đạp đổ nữa.

Ông có thể chia sẻ bài học lớn nhất qua hơn 40 năm kinh doanh của riêng mình?

Thực sự không ai phân công nhưng gần đây tôi dành nhiều thời gian chia sẻ cho doanh nhân các tỉnh về kinh nghiệm trong quản trị điều hành doanh nghiệp do tự tôi chấp bút, mang tính thiết thực phù hợp với doanh nhân trẻ.

Đối với tôi, hai lần biến cố lớn nhất trong đời đã để lại cho tôi nhiều bài học, đó là lần đổ vỡ HTX tín dụng Thành Công năm 1989, và chuyện xảy ra 2012 với Sacombank… tích lũy từ quản trị và điều hành của mình, nhờ có đội ngũ hiền tài, lúc nào cũng sát cạnh bên mình và thứ hai là gia đình mình đã giúp tôi vượt qua.

Còn khủng hoảng kinh tế thì bình thường, nếu mình không có quy chế bài bản, đụng khủng hoảng sẽ suy kiệt. Ngành mía đường năm rồi cũng rơi vào chu kỳ khủng hoảng 4 - 5 năm/lần, người ta phải trả tiền cho nông dân bằng đường, nông dân lại lấy đường ra bán thị trường với giá rẻ mạt, tạo ra dư thừa giả tạo.

Nhưng với Đường Biên Hòa doanh thu rất tốt, sau mỗi cuộc khủng hoảng lại phát triển lên một bước mới, giống như cây mía vậy đó, lại ra đốt mới.

Tôi rất thích câu nói của anh Nguyễn Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, một vị “thần nông” của đất nước. Khi chiến tranh thương mại xảy ra giữa những ông lớn, nếu bằng lòng sẽ gánh hậu quả, hãy nghĩ khác hơn mới tồn tại. Ông bà ta thường vẫn dạy “trong phúc có họa, trong họa có phúc, người khôn biết tìm trong họa thấy phúc, kẻ có tâm biến họa thành phúc”.

Đã là doanh nhân, phải chịu trách nhiệm sinh mạng chính trị của ngành nghề, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, trách nhiệm với đồng vốn của rất nhiều người vất vả lắm nhưng có thú vị của nó.

Đó là khát vọng của doanh nhân, nếu giải mã được nó sẽ giúp ích rất nhiều cho xã hội, nếu có tâm thế và khát vọng, chúng ta sẽ vượt qua hết.

Xin cảm ơn ông!

Theo Kim Yến/The Leader

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…