Chứng chỉ tiền gửi: Lợi và thiệt

Với lãi suất gần 9%/năm, chứng chỉ tiền gửi đang được nhiều người quan tâm do mức sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm, gây áp lực lên lãi suất vay.
Chứng chỉ tiền gửi: Lợi và thiệt

Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh huy động tiền gửi Ảnh: Tấn Thạnh

Một số ngân hàng (NH) đang huy động vốn qua bán chứng chỉ tiền gửi. Điểm khác biệt là loại hình tiền gửi này có mức sinh lời cao và được chuyển nhượng cho người khác hoặc NH. Tuy nhiên, người mua cần cân nhắc khi tham gia dịch vụ này.

Được chuyển nhượng

“Khách hàng đã mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 6 tháng nhưng muốn rút tiền thì sao?” - chúng tôi hỏi một nhân viên NH Việt Á (VietABank) và được giải thích rằng khách hàng không được rút tiền trước hạn nhưng được thế chấp chứng chỉ tiền gửi để vay lại với lãi suất bằng lãi suất thể hiện trên chứng chỉ tiền gửi cộng với biên độ 2,5%. Ngoài ra, khách hàng còn có thể bán chứng chỉ tiền gửi cho người khác, giá cả chuyển nhượng do hai bên thỏa thuận. Khi đó, VietABank sẽ đóng vai trò trung gian xác nhận chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền và không thu phí giao dịch.

Trong khi đó, khách hàng thế chấp chứng chỉ tiền gửi của NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) để vay lại tiền thì NH này áp dụng lãi suất cho vay gấp 1,5 lần lãi suất ghi trên chứng chỉ tiền gửi. Còn người nắm giữ chứng chỉ tiền gửi của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) hơn 6 tháng có thể bán chứng chỉ tiền gửi cho NH này và được giữ nguyên lãi suất. Theo đó, tại thời điểm chuyển nhượng, VIB lấy lãi suất phải chi trả cộng với mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi để tính số tiền phải thanh toán cho người bán chứng chỉ tiền gửi

Một lãnh đạo của NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho rằng người có tiền nhàn rỗi 50-100 triệu đồng mua chứng chỉ tiền gửi sẽ lợi hơn gửi tiết kiệm. Với số tiền này, nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng rồi tiếp tục gửi trong 5 năm thì mỗi năm chỉ hưởng được lãi suất khoảng 6,5%- 7% còn mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm thì được hưởng lãi suất 8,5%/năm. Với chứng chỉ tiền gửi, NH huy động được vốn dài hạn để cơ cấu nguồn vốn khi quy định giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 50% có hiệu lực từ đầu năm nay.

Cần cân nhắc kỹ

Do chứng chỉ tiền gửi thường có kỳ hạn dài và không được rút trước hạn nên nhiều chuyên gia tài chính khuyến cáo người mua cần cân nhắc. Nếu người nắm giữ chứng chỉ tiền gửi muốn rút tiền trước hạn thì phải thế chấp cho NH để vay lại với chi phí rất cao.

Chẳng hạn, cá nhân thế chấp chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm, lãi suất 8,8%/năm, NH sẽ cho vay lại với thời hạn 5 năm, lãi suất gấp 1,5 lần, tính ra lãi suất cho vay khoảng 13,2%/năm, cao hơn lãi suất vay mua nhà, ô tô… mà các NH đang áp dụng là 9%-11%/năm.

Tuy chứng chỉ tiền gửi được phép chuyển nhượng cho người khác nhưng lãnh đạo nhiều NH cho hay thị trường gần như không có người mua. Có chăng giao dịch chỉ xảy ra khi người sở hữu chứng chỉ tiền gửi cần tiền nhưng không muốn dùng làm tài sản thế chấp để vay lại tiền vì ngại thủ tục rườm rà, đồng thời người có tiền nhàn rỗi cần mua nhưng NH đã dừng phát hành chứng chỉ tiền gửi.

Lãi suất vay trung - dài hạn có thể nhích lên

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, không chỉ lãi suất huy động VNĐ qua chứng chỉ tiền gửi tăng mạnh, nhiều NH thương mại cũng đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 12 tháng lên mức khá cao. Tại NH TMCP Bản Việt (VietCapital Bank), biểu lãi suất huy động mới nhất vừa được NH này niêm yết từ ngày 21-3 với mức lãi suất tiền gửi VNĐ kỳ hạn 18-60 tháng cao nhất lên tới 7,8%/năm. Tại NH TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), biểu lãi suất cũng có sự điều chỉnh theo xu hướng nhích lên ở một số kỳ hạn, riêng kỳ hạn 36 tháng lãi suất tiền gửi cao nhất lên tới 7,9%/năm. Ngay các kỳ hạn ngắn, một số NH đã nâng lãi suất dưới 6 tháng lên mức kịch trần cho phép 5,5%/năm.

Động thái chạy đua huy động vốn qua chứng chỉ tiền gửi và tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn khiến thị trường lo ngại tác động lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo phó tổng giám đốc một NH cổ phần, dù một số NH đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi nhưng sẽ không đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao.

Sức ép thiếu vốn trung- dài hạn khiến các NH lựa chọn phương án phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài nhưng đây không phải lựa chọn ưu tiên vì chi phí vốn cao, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. “Huy động mức 9%/năm, thêm 2,5% chi phí, tính ra lãi suất cho vay ở mức 11,5%/năm không phải hấp dẫn doanh nghiệp vay và khó cạnh tranh với các NH khác. Do đó, các NH chỉ huy động chứng chỉ tiền gửi khi thật sự cần để cân đối nguồn vốn trung và dài hạn” - vị lãnh đạo NH cổ phần này phân tích.

Một số NH đang cần cơ cấu lại nguồn vốn dài hạn nhằm đáp ứng quy định của NH Nhà nước về tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ mức 60% xuống 50% hiệu lực từ đầu năm 2017.

Chuyên gia tài chính NH, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng không nên quá lo lắng trước việc vài NH đẩy lãi suất huy động lên cao qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi vì không phải khách hàng nào cũng thích gửi tiền từ 5-7 năm, nhất là trong bối cảnh ẩn số lạm phát những năm tới là khó đoán.

“Lãi suất vay ngắn hạn sẽ không tăng nhưng lãi suất trung- dài hạn có thể bị đẩy lên vì chi phí nguồn vốn đầu vào đang tăng. Dù vậy, các NH vẫn phải ổn định lãi suất cho vay trung- dài hạn theo yêu cầu của NH Nhà nước và Chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp” - ông Lực nhận định.

Lãi suất huy động gần 9%/năm

Tại VietABank, người mua chứng chỉ tiền gửi mệnh giá từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng được hưởng lãi suất 6,9%/năm. Còn chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá trên 2 tỉ đồng, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 7,1%/năm; 9 tháng là 7,2%/năm; 13 tháng 7,9%/năm; 15 tháng 8,1%/năm; 18 tháng 8,2%/năm.

Tương tự, LienVietPostBank cũng huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng, lãi suất lên đến 8,8%/năm dành cho số tiền gửi 5 tỉ đồng trở lên. Chứng chỉ tiền gửi của VIB cũng có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 6,68%/năm; 24 tháng là 6,88%/năm, mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng.

Ngày 15-3, Sacombank phát hành chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn 5 năm 1 ngày, lãi suất 8,48%/năm và kỳ hạn 7 năm, lãi suất 8,88%/năm. Tuy nhiên, sau 3 ngày triển khai, Sacombank đã huy động được 3.000 tỉ đồng nên đã dừng phát hành chứng chỉ tiền gửi.

Theo Thy Thơ - Thái Phương

Người lao động

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh hội thảo

Để ESG dẫn dòng tín dụng

Ngành ngân hàng đang thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh...

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...