Chứng khoán Mỹ giao dịch trái chiều trong phiên đầu tuần, thị trường "ngóng" các dữ liệu kinh tế

Các chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên 10/4 khi giới đầu tư xem xét báo cáo việc làm tháng 3 và chuẩn bị cho một tuần đầy sự kiện với dữ liệu lạm phát và thu nhập ngân hàng…
chứng khoán Mỹ

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 101,23 điểm, tương đương 0,3%, lên 33.586,52 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 4,09 điểm, tương đương 0,10%, lên 4.109,11 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,60 điểm, hoặc 0,03%, xuống 12.084,36 điểm. 

Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, có 6 lĩnh vực kết thúc phiên cao hơn, dẫn đầu là công nghiệp. Dịch vụ truyền thông và tiện ích chịu tổn thất phần trăm lớn nhất.

Các cổ phiếu đà tăng vốn hóa lớn (megacap momentum stocks) đã kéo Nasdaq nặng về công nghệ xuống thấp hơn một chút, trong khi các cổ phiếu công nghiệp đã giúp thúc đẩy chỉ số Dow blue-chip tiến vào lãnh thổ xanh.

Ngành vận tải nhạy cảm về mặt kinh tế, chất bán dẫn, vốn hóa nhỏ và công nghiệp vượt trội so với thị trường rộng lớn hơn, cho thấy rằng nền kinh tế đủ vững chắc để chịu được các đợt tăng lãi suất tiếp theo từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed). 

Ở diễn biến các cổ phiếu riêng lẻ, nhóm cổ phiếu công nghệ gặp khó khăn, với  Apple giảm 1,6% và Alphabet giảm 1,8%.

Cổ phiếu Tesla giảm 0,3% khi công ty cho biết sẽ giảm giá một số loại xe điện.

Ngược lại, cổ phiếu các nhà sản xuất chip tăng sau khi Samsung công bố cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá; Micron Technology Inc và Western Digital Corp cũng lần lượt tăng 8% và 8,2%. 

Cổ phiếu của nhà sản xuất dầu đá phiến Pioneer Natural Resources Co ghi nhận thêm 5,8% nhờ một báo cáo tiết lộ rằng Exxon Mobil Corp đã tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ với công ty về một thương vụ mua lại tiềm năng.

S&P 500 có 2 mức cao mới trong 52 tuần và không có mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 50 mức cao mới và 155 mức thấp mới.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 9,09 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 12,28 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về mặt dữ liệu kinh tế, vào ngày thị trường nghỉ lễ cuối tuần trước, Bộ Lao động Mỹ đã công bố báo cáo việc làm tháng 3, cho thấy một nền kinh tế có khả năng phục hồi và lạm phát vừa phải. Cụ thể, dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tăng 236.000 trong tháng, phù hợp với ước tính của Dow Jones là 238.000. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,5%, thấp hơn so với mức dự đoán 3,6% tương tự như tháng 2.

Mặc dù báo cáo kinh tế mới cho thấy chiến lược thắt chặt chính sách của Fed đang bắt đầu phát huy tác dụng, nhưng nó cũng là yếu tố củng cố thêm khả năng ngân hàng trung ương sẽ tiến lên với mức tăng 0,25 điểm phần trăm tiếp theo trong cuộc họp tháng 5 tới.

Nhìn chung, thị trường tài chính đã đặt cược 72% khả năng tăng lãi suất, theo công cụ FedWatch của CME.

Sam Stovall, giám đốc chiến lược đầu tư của CFRA Research ở New York, cho biết: “Các nhà đầu tư vẫn đang thuyết phục bản thân rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5. Điều này có thể thúc đẩy một cuộc suy thoái kinh tế trong tương lai. Sự lo lắng đã tăng lên trước thềm báo cáo CPI và PPI trong tuần này."

Thị trường cũng đang chuẩn bị cho dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và sản xuất (PPI), dự kiến lần lượt được công bố vào 13/4 và 14/4, để có bức tranh toàn cảnh hơn về mức độ hạ nhiệt của lạm phát trong tháng 3. 

Cùng ngày 14/4, bộ ba ngân hàng hàng đầu của Mỹ - Citigroup Inc, JPMorgan Chase & Co và Wells Fargo & Co - sẽ chính thức khởi động mùa báo cáo thu nhập quý đầu tiên năm 2023. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư xem xét các manh mối về sức khỏe tổng thể của ngành sau sự cố hai ngân hàng khu vực của Mỹ là SVB và Signature sụp đổ vào đầu tháng 3. 

Các nhà phân tích dự kiến ​​tổng thu nhập của S&P 500 sẽ giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, một sự đảo ngược hoàn toàn so với mức tăng trưởng hàng năm 1,4% được kỳ vọng vào đầu quý, theo Refinitiv.

Có thể bạn quan tâm