Chứng khoán Mỹ chao đảo trước tâm lý lo sợ về suy thoái kinh tế

Hai chỉ số chính của Phố Wall kết thúc phiên 5/4 giảm mạnh sau khi dữ liệu kinh tế yếu kém làm gia tăng lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ có thể sớm rơi vào suy thoái…
chứng khoán Mỹ

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones nhích nhẹ 0,24% lên 33.482,72 điểm trong khi S&P 500 giảm 0,25%, kết thúc phiên ở 4.090,38 điểm và Nasdaq giảm 1,07% xuống 11.996,86 điểm. 

7 trong số 11 chỉ số ngành của S&P 500 ghi nhận mức giảm, dẫn đầu là chỉ số hàng tiêu dùng không thiết yếu giảm 2,04%, tiếp theo là mức giảm 1,3% của chỉ số công nghiệp.

Trong số các cổ phiếu giữ cho Dow Jones ở vùng tích cực, Johnson & Johnson đã tăng 4,5% sau đề nghị giải quyết các vụ kiện liên quan đến bột talc trị giá 8,9 tỷ USD nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn nguyên đơn.

Cổ phiếu FedEx Corp thêm 1,5% khi công ty cho biết họ sẽ gộp các bộ phận điều hành của mình thành một trong nỗ lực cắt giảm chi phí và tăng cường hiệu quả hoạt động. 

Caterpillar, được coi là đầu tàu cho lĩnh vực công nghiệp, đã giảm 1,8%, nâng mức lỗ trong hai ngày qua lên 7% do các nhà đầu tư lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế.

Ở lĩnh vực công nghệ, công ty trí tuệ nhân tạo C3.ai Inc mất hơn 15%, trượt dài trong ngày thứ hai vì các cáo buộc về kế toán. Công ty đã phủ nhận các cáo buộc trong một phản hồi qua email cho Reuters.

Nvidia Corp giảm 2,1% và là một trong những cổ phiếu ảnh hưởng nhiều nhất đến S&P 500 sau khi Google tiết lộ rằng các siêu máy tính mà họ sử dụng để đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo nhanh hơn và tiết kiệm điện hơn hơn các thành phần tương tự của Nvidia. 

Tesla Inc trượt 3,7%, trong khi Amazon, Apple đều giảm hơn 1%, kéo Nasdaq đi xuống và đảo ngược đà tăng của một số công ty giá trị nhất Phố Wall trong những tuần gần đây.

S&P 500 có 11 mức cao mới và 2 mức thấp mới; Nasdaq ghi nhận 39 mức cao mới và 269 mức thấp mới.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ tương đối thấp, với 10,1 tỷ cổ phiếu được giao dịch, so với mức trung bình 12,7 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.

Về mặt dữ liệu kinh tế, các ngân hàng lớn của Mỹ như JPMorgan Chase & Co và Citigroup sẽ khởi động cho mùa báo cáo thu nhập quý 1/2023 vào tuần tới, với các nhà đầu tư háo hức muốn biết thông tin cập nhật về tình trạng của ngành tài chính. 

Các nhà phân tích dự đoán, tổng thu nhập của các công ty S&P 500 trong quý tháng 3 sẽ giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Refinitiv I/B/E/S.

Ngoài ra, báo cáo Việc làm Quốc gia tại Mỹ của ADP cho thấy vào tháng 3 các nhà tuyển dụng tư nhân đã thuê ít công nhân hơn nhiều so với dự kiến. Thông tin này đến sau dữ liệu cơ hội việc làm suy yếu được công bố vào một ngày trước đó. 

Đồng thời, cuộc khảo sát của Viện Quản lý cung ứng chỉ ra rằng lĩnh vực dịch vụ cũng đã chậm lại vào tháng trước do nhu cầu trượt giảm, trong khi thước đo giá cả mà các doanh nghiệp dịch vụ phải trả đã rơi xuống mức thấp nhất gần ba năm.

Đầu tuần này, dữ liệu cập nhật cũng ghi nhận số lượng đơn đặt hàng của nhà máy giảm và hoạt động sản xuất yếu kém. 

Những tổn thất gần đây của chứng khoán Mỹ trước dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế đã đánh dấu một sự thay đổi đáng chú ý so với những tháng trước. Khi đó, các nhà đầu tư dường như thấy vui mừng khi dữ liệu kinh tế hạ nhiệt, bởi nó có nghĩa là việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang có tác dụng và ngân hàng trung ương có thể sớm nới lỏng chính sách thắt chặt của mình.

Tuy nhiên đến nay, quan niệm “tin xấu là tin tốt” đã được chuyển thành “tin xấu là tin xấu”, ông Jay Hatfield - giám đốc điều hành và quản lý danh mục đầu tư tại InfraCap ở New York - cho biết. "Nỗi sợ hãi về một cuộc suy thoái đang là chủ đề chính."

Phản ánh những lo lắng về nền kinh tế và những bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, 61% các nhà đầu tư đặt cược cho khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 7, theo công cụ Fedwatch của CME Group.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm