Sau động thái mới của OPEC+, chứng khoán Mỹ giao dịch trái chiều

Chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 300 điểm vào 3/4 khi Phố Wall cho thấy khả năng phục hồi bất chấp việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có nguy cơ gây ra lo ngại về lạm phát và suy thoái...
chứng khoán Mỹ

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 327 điểm, tương đương 0,98%, đóng cửa ở mức 33.601,15 điểm. S&P500 tăng 0,37% lên 4.124,51 điểm. Trong khi đó, Nasdaq composite giảm 0,27% xuống còn 12.189,45 điểm. 

Mức tăng điểm của chỉ số Dow Jones phần nào là nhờ mức tăng hơn 4,6% của UnitedHealth Group Inc khi tỷ lệ Medicare Advantage cao hơn đề xuất cho năm 2024.

Trong khi đó, Tesla Inc mất 6,1% sau khi tiết lộ số lượng giao hàng trong quý tháng 3 chỉ tăng 4% so với quý trước, ngay cả sau khi CEO Elon Musk giảm giá sản phẩm để thúc đẩy nhu cầu.

Chỉ số ngành năng lượng thuộc S&P 500 tăng 4,9% trước dự đoán giá dầu có thể được đẩy lên mốc 100 USD/thùng. Chevron Corp, Exxon Mobil Corp và Occidental Petroleum Corp đều tăng hơn 4%.

S&P 500 có 20 mức cao mới và không có mức thấp mới; Nasdaq ghi nhận 85 mức cao mới và 121 mức thấp mới.

Khối lượng trên các sàn Mỹ tương đối thấp, với 10,9 tỷ cổ phiếu được giao dịch, so với mức trung bình 12,7 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.

Các thị trường đã dành phần lớn thời gian của phiên giao dịch đầu tuần để “tiêu hóa” tin tức OPEC+ cắt giảm sản lượng 1,16 triệu thùng/mỗi ngày. Hợp đồng tương lai dầu WTI tăng 6,28% để ổn định ở mức 80,42 USD và hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 6,31% lên mức 84,93 USD.

Theo nhận định của chiến lược gia năng lượng Stephen Ellis, triển vọng giá dầu cao hơn có thể gây thêm bất ổn cho Phố Wall khi OPEC+ cắt giảm sản lượng. “Bản thân việc cắt giảm thực tế không gây ra quá nhiều bất ngờ, bởi sự gia tăng lượng tồn kho trên toàn cầu và mối lo ngại về suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, giá dầu cao hơn có khả năng thúc đẩy gia tăng tình hình lạm phát và gây ra nhiều tác động làm suy yếu nền kinh tế”. 

Các dự đoán về giá dầu đã làm gia tăng nỗi lo lạm phát ở Phố Wall chỉ vài ngày sau khi thị trường đưa ra kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm kết thúc chiến dịch thắt chặt tiền tệ. 

“Quyết định cắt giảm sản lượng là một cơn gió ngược đối với lạm phát”, ông Terry Sandven, giám đốc chiến lược vốn cổ phần tại U.S. Bank Wealth Management cho biết. Một đợt tăng giá dầu mới cũng có khả năng làm phức tạp thêm nhiệm vụ trước mắt của Fed. Mặc dù các thước đo lạm phát ưa thích của Fed loại bỏ chi phí thực phẩm và khí đốt, nhưng sự gia tăng rõ rệt của lạm phát tiêu đề - bao gồm giá năng lượng - có thể làm việc tạm dừng tăng lãi suất vào cuối năm nay trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù vậy, Phố Wall vẫn đang cố gắng rũ bỏ tâm lý tiêu cực với chuỗi lợi nhuận gần đây. Cả ba chỉ số chính đều nằm vùng tích cực trong quý đầu tiên, bất chấp tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng. Nasdaq Composite dẫn đầu trong quý với mức tăng 16,8% trong khi S&P 500 tăng 7%. Chỉ số Dow Jones bị tụt lại nhưng vẫn đạt được mức tăng 0,4%.

Tuần đầu tiên của quý mới là một tuần rút ngắn đối với Phố Wall, vì giao dịch sẽ đóng cửa vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (7/4). Tuy nhiên, sẽ có một số dữ liệu kinh tế quan trọng để các nhà đầu tư theo dõi, bao gồm dữ liệu cơ hội việc làm, báo cáo bảng lương tư nhân của ADP và báo cáo việc làm hàng tháng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm