Chứng khoán Mỹ nhảy vọt với triển vọng lạc quan từ các công ty

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vào 29/3 với cả ba chỉ số chính đều tăng ít nhất 1% nhờ triển vọng lạc quan từ Micron Technology và các công ty khác làm giảm bớt một số lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế…
chứng khoán Mỹ

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 323,35 điểm, tương đương 1%, lên 32.717,6 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 56,54 điểm, tương đương 1,42%, lên 4.027,81 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 210,16 điểm, hay 1,79%, thành 11.926,24 điểm.

Mức tăng cao của các chỉ số chính diễn ra trong bối cảnh thị trường đón nhận tín hiệu lạc quan từ các công ty, với báo cáo thu nhập của Micron Technology và Lululemon đóng vai trò nổi bật trong phiên giao dịch.

Cổ phiếu của Micron đã tăng hơn 7% sau khi nhà sản xuất chip công bố số liệu tài chính quý hai, tiếp theo đó là bởi nhận xét từ các giám đốc điều hành rằng vấn đề hàng tồn kho đang được cải thiện. Các doanh nghiệp bán dẫn khác cũng đóng cửa với kết quả tốt. Nvidia tăng 2%, trong khi AMD tăng 1,6%.

Ở một điểm sáng khác của phiên, cổ phiếu Lululemon Athletica Inc - công ty sản xuất đồ tập thể thao - đã tăng 12,7% nhờ dự báo kết quả hàng năm khả quan.

Cổ phiếu của Big Tech cũng tràn ngập trong sắc xanh. Meta và Netflix đã tăng hơn 2%, Apple đóng cửa cao hơn 2% trong khi Amazon đã tăng gần 4%. 

Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực trở lại vùng tích cực, với SPDR S&P Regional Banking ETF tăng khoảng 1%. Các ngân hàng lớn như Citigroup, Goldman Sachs cũng tăng điểm.

Với những xu hướng phục hồi này đã giúp S&P 500 lần đầu tiên đóng cửa trên mức trung bình động 50 ngày kể từ 6/3. Đó là thời điểm cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu và chỉ số biến động CBoe - thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall - ghi nhận mức thấp kỷ lục. 

S&P 500 có 9 mức cao mới trong 52 tuần và không có mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 69 mức cao mới và 135 mức thấp mới.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 10,61 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 12,73 tỷ cổ phiếu cho cả phiên trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

King Lip, chiến lược gia đầu tư trưởng tại BakerAvenue Wealth Management ở San Francisco, cho biết: “Thị trường đã đón nhận các thông tin tích cực về nền kinh tế từ một số công ty. Có thể nói, Micron giống như một mô hình thu nhỏ của nền kinh tế toàn cầu vì sản phẩm chip bán dẫn của họ đi vào rất nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau. Nếu họ lạc quan về các đơn hàng, điều đó có nghĩa là nền kinh tế nói chung đang hoạt động tốt”. 

Các nhà đầu tư cũng đang cố gắng đánh giá xem liệu tình trạng hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng có thể lắng xuống hay không và điều đó có ý nghĩa gì đối với chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). 

Michael O’Rourke, giám đốc chiến lược thị trường tại JonesTrading ở Stamford, Connecticut, nhận định: “Mỗi ngày trôi qua mọi người đang cảm thấy bình tâm hơn một chút. Diễn biến hỗn loạn tại ngành ngân hàng xuất hiện vào đầu tháng 3 với sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley và Signature đã gây ra một làn sóng bán tháo cổ phiếu và làm dấy lên những lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế.

Về mặt số liệu kinh tế, báo cáo về doanh số bán nhà đang chờ xử lý từ Hiệp hội môi giới quốc gia (Mỹ) cho thấy số lượng nhà theo hợp đồng đã tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 2. Các nhà quan sát cũng đang chờ dữ liệu Chi tiêu tiêu dùng cá nhân vào 31/3 để có thêm manh mối về lạm phát. 

Có thể bạn quan tâm