Ngày 23/5, lực lượng Công an Việt Nam đã phối hợp Interpol, Cảnh sát Thái Lan bắt giữ đối tượng Ngo Thi Theu (30 tuổi, còn được gọi là "Madam Ngo" hay "Bà Ngô") tại một khách sạn ở quận Watthana, Bangkok, Thái Lan, vì liên quan đến vụ lừa đảo tài sản mã hóa trị giá 300 triệu USD.
Trước đó, Ngo Thi Theu bị Interpol truy nã về hành vi lừa đảo qua hệ thống giao dịch tiền điện tử và đầu tư ngoại hối hơn 2.000 nạn nhân Việt Nam, số tiền thiệt hại khoảng 300 triệu USD.
Thiếu tướng Wittaya Sriprasertparb - Chỉ huy Cảnh sát Phòng Chống Tội phạm Thái Lan (CSD) - hôm 24/5 cho biết Ngo Thi Theu bị truy nã theo Thông báo đỏ của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) và lệnh bắt giữ từ cảnh sát Hà Nội với cáo buộc che giấu tội phạm.
Cùng bị bắt giữ với đối tượng này còn có hai người đàn ông đi cùng. Theu được cho là nhân vật chủ chốt trong mạng lưới tội phạm lừa đảo công dân Việt Nam vào các khoản đầu tư gian lận thông qua các nền tảng giao dịch ngoại hối và tiền điện tử.
"Madam Ngo" và đồng bọn hứa hẹn lợi nhuận hàng tháng từ 20 - 30% để lôi kéo nạn nhân, đồng thời thuê người nổi tiếng hoặc người có sức ảnh hưởng để thuyết phục mọi người đầu tư. Nạn nhân được mời tham gia các hội thảo tuyên bố đầu tư không rủi ro và mang lại lợi nhuận nhanh chóng. Những người tìm kiếm được thêm nhà đầu tư sẽ nhận hoa hồng, tương tự mô hình đa cấp.
Ban đầu, nạn nhân được phép rút lợi nhuận nhỏ để tạo niềm tin. Tuy nhiên, sau khi đầu tư số tiền lớn, họ không thể liên lạc với thủ phạm. Hơn 2.600 người đã trở thành nạn nhân của mạng lưới lừa đảo này, với tổng thiệt hại ít nhất 300 triệu USD.
Điều tra cho thấy hoạt động này do một người quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ cầm đầu, với sự tham gia của 35 đồng phạm người Việt Nam. Mạng lưới có 44 văn phòng trên khắp Việt Nam - bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An và các thành phố lớn khác, đồng thời mở rộng hoạt động sang Phnom Penh (Campuchia) với hơn 1.000 nhân viên.
Cảnh sát Việt Nam sau đó phát hiện Ngo Thi Theu đã trốn sang Thái Lan nên phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại để bắt giữ người này. Hai vệ sĩ của nghi phạm cũng bị tạm giữ.
Cảnh sát CSD và cơ quan nhập cư đã lần theo dấu vết đến một khách sạn ở Bangkok, nơi Ngo Thi Theu bị bắt cùng hai người Việt Nam khác - Ta Dinh Phuoc, 38 tuổi, và Trong Khuyen Trong, 41 tuổi, là vệ sĩ của nghi phạm. Cả 3 bị cáo buộc quá hạn thị thực và được đưa đến đồn cảnh sát Klong Tan.
Trong quá trình thẩm vấn, Madam Ngo thú nhận tham gia đường dây lừa đảo đầu tư. Phần lớn số tiền lừa đảo đã được chuyển cho kẻ cầm đầu, còn phần của mình được rửa qua các khoản đầu tư bất động sản ở Việt Nam. Hiện Ngo Thi Theu đang bị tạm giữ, chờ dẫn độ về Việt Nam.
Theo ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, vụ lừa đảo mang tên “Madame Ngo” là minh chứng điển hình cho những chiêu trò tinh vi trong thị trường tiền mã hóa. Những kẻ chủ mưu đã dựng nên một kịch bản hoàn hảo gồm bốn giai đoạn để đánh vào lòng tham và tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) của nạn nhân.
Ở giai đoạn 1 “quảng bá và dụ dỗ”, mọi thứ bắt đầu từ các hội thảo tổ chức tại những hội trường sang trọng ở Hà Nội và TP.HCM, nơi hàng trăm người được mời gọi với lời hứa về “cơ hội đầu tư không thể bỏ lỡ”. Ngo Thi Theu – hay còn gọi là “Madame Ngo” – xuất hiện như một doanh nhân thành đạt, đại diện cho một mạng lưới đầu tư chuyên nghiệp. Cô sử dụng nền tảng giao dịch giả mạo có giao diện bắt mắt và hứa hẹn lợi nhuận 20–30% mỗi tháng.
Để tăng mức độ tin cậy, nhóm lừa đảo mời các ngôi sao, người nổi tiếng có hàng triệu lượt theo dõi tham gia hội thảo. Chuỗi sự kiện được tổ chức đồng loạt tại 44 văn phòng trên khắp Việt Nam, thậm chí mở rộng sang Phnom Penh (Campuchia).
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam
"Những buổi hội thảo không chỉ bán giấc mơ làm giàu mà còn khai thác tâm lý FOMO, khiến người nghe cảm thấy phải xuống tiền ngay", ông Trung nhận định.
Đến giai đoạn 2 “xây dựng niềm tin”, theo ông Trung, mạng lưới này hoạt động giống như một mô hình kim tự tháp. Ban đầu, nạn nhân được phép rút một khoản nhỏ – vài triệu đồng – nhằm tạo cảm giác an toàn và tin tưởng. “Tôi rút được tiền, nghĩa là đầu tư này là thật” – nhiều người nghĩ vậy và tiếp tục rót thêm tiền, kéo theo người thân, bạn bè để nhận hoa hồng.
Hơn 1.000 người được tuyển dụng để vận hành hệ thống, từ nhân viên chăm sóc khách hàng cho đến kỹ thuật viên điều khiển nền tảng giả. Với 35 đối tượng người Việt và một kẻ cầm đầu quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức này vận hành như một tập đoàn xuyên quốc gia – nhưng với mục tiêu duy nhất là lừa đảo.
Bước sang giai đoạn 3 “thu hoạch và biến mất”, khi đã gom đủ “con mồi”, nhóm bắt đầu khóa tài khoản người dùng. Mọi yêu cầu rút tiền đều bị từ chối với lý do như “bảo trì hệ thống” hoặc không ai phản hồi. Liên lạc với người tổ chức gần như không thể. Hơn 2.600 người đã sập bẫy, với tổng thiệt hại ước tính lên tới ít nhất 300 triệu USD.
Cuối cùng là giai đoạn 4 “rửa tiền và trốn chạy”. Để hợp thức hóa số tiền bất chính, Theu và đồng bọn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi. Phần lớn số tiền được chuyển cho kẻ cầm đầu người Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi phần của Theu được rửa qua các khoản đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Khi trốn sang Thái Lan, cô nhận tiền qua các tài khoản “mule” tại Việt Nam, được chuyển sang Thái Lan và rút bằng tiền mặt – mỗi giao dịch khoảng 1 triệu baht (khoảng 700 triệu đồng) – để tránh bị phát hiện.
Ông Phan Đức Trung nhận định, vụ Madame Ngo đang làm tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh thị trường tiền mã hóa tại Việt Nam, vốn đang chật vật tìm kiếm sự chấp nhận chính thống. “Khi các tiêu đề về “Bà Ngo” tràn ngập báo chí, nhiều người có thể quay lưng với các khoản đầu tư hợp pháp, sợ rằng tất cả chỉ là lừa đảo”, ông chia sẻ.
Vụ việc là lời cảnh báo mạnh mẽ rằng cuộc chiến chống tội phạm tài chính vẫn còn dài. Ông Trung khuyến nghị nhà đầu tư nên trang bị kiến thức từ các nguồn đáng tin cậy như website của Hiệp hội Blockchain Việt Nam hoặc Interpol. Nếu phát hiện dấu hiệu đáng ngờ, có thể gửi thông tin tới chương trình chống lừa đảo ChainTracer của Hiệp hội. “Lợi nhuận nghe quá tốt thì rất có thể là không thật”, ông Trung cảnh báo.
Ngoài ra, ông kêu gọi cơ quan quản lý tăng cường giáo dục tài chính, đặc biệt ở khu vực nông thôn – nơi người dân còn ít tiếp cận với thông tin đầu tư an toàn. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ các nội dung quảng cáo trên mạng xã hội và xử lý nghiêm các KOL tiếp tay cho các dự án lừa đảo.