Cổ đông Sacombank lo lắng vì đã già, sợ không đợi được đến ngày chia cổ tức

Sacombank là ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu nên chưa thể chia cổ tức. Hiện còn vấn đề liên quan đến cổ phiếu của ông Trầm Bê. Ngân hàng đã trình phương án mua lại số cổ phiếu đó từ Ngân hàng Nhà nước để bán đấu giá và xử lý dứt điểm vấn đề. Hoàn tất tái cơ cấu và xử lý xong mới được chia cổ tức...

sacombank-6726.jpeg

Sáng ngày 26/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank – mã chứng khoán: STB) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 nhằm thông qua các nội dung về kết quả kinh doanh, kế hoạch phân phối lợi nhuận, định hướng chiến lược.

NGÓNG CỔ TỨC LẠI… TỨC TẬN CỔ

Tại đại hội, ban lãnh đạo Sacombank đã trình bày về phương án phân phối lợi nhuận cho năm tài chính 2023 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm tài chính 2024, không đề cập đến kế hoạch chia cổ tức.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank năm 2023 là hơn 9.500 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn hơn 5.700 tỷ đồng. Nếu tính lợi nhuận hợp nhất giữ lại từ các năm trước, lũy kế tới năm nay sẽ là hơn 18.300 tỷ đồng.

Về vấn đề cổ tức, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank từng cho biết, Sacombank là ngân hàng đặc thù, thuộc diện tái cơ cấu nên chưa thể chia cổ tức. Hiện còn vấn đề liên quan đến chỗ cổ phiếu của ông Trầm Bê, ngân hàng đã trình phương án mua lại số cổ phiếu đó từ Ngân hàng Nhà nước để bán đấu giá và xử lý dứt điểm vấn đề. Sau khi xử lý xong, hoàn tất tái cơ cấu, ngân hàng mới được chia cổ tức.

Trong phiên thảo luận, đã có cổ đông bày tỏ sự lo lắng vì đã già, không biết đến bao giờ ngân hàng mới trả cổ tức? Về vấn đề này, ông Dương Công Minh bày tỏ, theo quy định pháp luật thì phải hoàn lại vốn điều lệ thì mới tái cơ cấu thành công.

“Chúng tôi đã xử lý xong Khu công nghiệp Phong Phú và họ đã thanh toán một nửa số tiền mua nợ, chúng tôi rất tích cực xử lý tài sản. Điều kiện để chia cổ tức là phải hoàn vốn điều lệ và sau đó đưa nợ xấu về dưới 3%. Do đó phải xử lý 32% vốn của ông Trầm Bê và phải chờ quyết định của cơ quan Nhà nước và chắc chắn hoàn thành trong năm nay, nợ xấu cũng sẽ về dưới 3%. Tôi là cổ đông lớn nhất nhưng quy định là phải tái cơ cấu xong mới được chia cổ tức, chúng tôi quyết tâm thực hiện trong năm nay”.

KHẲNG ĐỊNH KHÔNG “DÍNH DÁNG” ĐẾN BÀ TRƯƠNG MỸ LAN

Chia sẻ tại Đại hội, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết bản thân ông là cổ đông lớn nhất và là Chủ tịch ngân hàng. Vì vậy, những tin đồn về ông sẽ có ảnh hưởng nhất định đến ngân hàng và từ đó ảnh hưởng đến các cổ đông.

anh-chup-man-hinh-2024-04-26-luc-122245-7416.png
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank

Đính chính về tin đồn bị cấm xuất cảnh do liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, ông Minh khẳng định: "Tôi không liên quan một dấu chấm, dấu phẩy gì đến bà Trương Mỹ Lan hay Vạn Thịnh Phát. Đây là tin đồn ông Thangdang viết trên Facebook. Nguyên nhân của vấn đề này là do khi Sacombank cho Bamboo vay tiền, tôi phải làm cố vấn cho khoản tín dụng của Bamboo không mất vốn. Khi đó, ông Thắng có đòi 200 tỷ đồng cho cá nhân, nhưng sau đó gia đình ông Quyết đã cho ông Thắng nghỉ trước khi nhà đầu tư mới vào đầu tư. Tôi có đề nghị ông Thắng làm việc với đối tác mới. Việc ông Thắng viết lên Facebook là không đúng sự thật. Nếu có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan tôi không bao giờ ngồi đây được. Tôi đảm bảo với quý vị, trong mọi trường hợp tôi đều hướng về ngân hàng, vì ngân hàng."

Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank bộc bạch, thời điểm Hội đồng quản trị mới vào Sacombank năm 2017, Sacombank có lãi dự thu nhiều hơn cả vốn chủ sở hữu. "Đáng lẽ ra Sacombank sẽ nằm trong những ngân hàng 0 đồng yếu kém, tuy nhiên chúng ta đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép tự tái cơ cấu".

Đến hiện tại, sau 7 năm, Sacombank có vốn chủ sở hữu hơn 45.000 tỷ đồng, là điển hình ngân hàng tự tái cơ cấu thành công. Hiện Sacombank chỉ còn 1 vấn đề duy nhất để hoàn thành đề án tái cơ cấu là liên quan đến số cổ phần của ông Trầm Bê.

KẾ HOẠCH TĂNG TRƯỞNG THẤP

Tại đại hội, Sacombank trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng tài sản tăng 10% lên 724.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động tăng khoảng 10% lên 636.600 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng tăng 11% lên 535.800 tỷ đồng. Hội đồng quản trị sẽ điều chỉnh lại các mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng phân bổ của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 10.600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lãnh đạo Sacombank cho biết tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh và công bố hoàn thành Đề án tái cơ cấu sớm hơn thời hạn.

Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc: “Chiến lược của Sacombank là phát triển an toàn, bền vững. Kế hoạch xây dựng trên vấn đề thận trọng trên dự báo vốn vay thấp, tín dụng toàn ngành quý 1 chỉ tăng 0,26%, rủi ro nợ xấu cũng tăng. Định hướng của chúng tôi là đồng hành cùng khách hàng để cung ứng vốn ra thị trường. Chúng ta tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro, dự kiến trích 4.300 tỷ đồng”.

Ngoài ra, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng tiết lộ thêm hiện dư nợ của Sacombank hơn 500.000 tỷ đồng và cho vay bất động sản là 100.000 tỷ, chiếm khoảng 20% nhưng chủ yếu là cho vay tiêu dùng cá nhân. Cho vay bất động sản dự án chỉ 9.000 tỷ, rất nhỏ so với tổng dư nợ. Chúng tôi phát triển theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước, đi vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực xuất nhập khẩu, lĩnh vực xanh,... Hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, không có đầu tư.

sacombank-2552.jpeg

Trước đó, năm 2023, ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 9.595 tỷ đồng, tăng 51,4% so với năm 2022 và đạt 101% kế hoạch. Năng suất và các tỷ suất sinh lời được cải thiện, trong đó ROA bình quân tăng 0,31%, đạt 1,22%. ROE bình quân tăng 4,47%, đạt 18,3%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) tăng 72%, đạt 4.094 đồng/cổ phiếu .

Năm 2023, Sacombank cũng đã thu hồi xử lý hơn 7.900 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Trong đó gần 4.500 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 3%. Ngân hàng trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định, tổng số dư dự phòng đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 10,4%, trong đó dự phòng cho vay tăng 34,3%.

Trong năm 2024, Sacombank sẽ xem xét thông qua tờ trình về việc nâng số lượng thành viên Ban Kiểm soát (nhiệm kỳ 2022 - 2026) từ 4 thành 5 người. Đồng thời, Hội đồng quản trị cũng có các tờ trình liên quan đến việc sửa đổi quy chế điều lệ để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và vấn đề về thù lao, tổ chức kiểm toán.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...