Cụ thể, dự thảo mới của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng để đầu tư ra nước ngoài quy định mức cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng tối đa không vượt quá 70% tổng mức vốn đầu tư.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đây là quy định mới so với quy định hiện hành. Góp ý dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ hạn mức cho vay, trong trường hợp nhất thiết phải khống chế mức tối đa cho vay thì cần giải trình thuyết phục về lý do.
"Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định trên “nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay đầu tư ra nước ngoài”. Tuy nhiên, VCCI cho rằng đây là thông tin chưa đủ để có thể xem xét nên hay không nên khống chế mức cho vay, bởi vì không nhận thấy rõ được theo quy định hiện hành – không khống chế mức cho vay thì đã xảy ra những rủi ro nào trong hoạt động đầu tư đến mức Nhà nước buộc phải can thiệp?
Mặt khác, theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng không bị khống chế mức cho vay mà “Tổ chức tín dụng căn cứ vào phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính của khách hàng, các giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng và khả năng nguồn vốn của tổ chức tín dụng để thỏa thuận với khách hàng về mức cho vay”.
“Không rõ hoạt động cho vay đầu tư ra nước ngoài có những rủi ro nào hơn so với các hoạt động cho vay thông thường khác để buộc phải khống chế mức cho vay?”, VCCI đặt vấn đề.
Cũng theo VCCI, về phạm vi điều chỉnh, nếu dự thảo không quy định về hoạt động cho vay đối với khách hàng để đầu tư ra nước ngoài theo hình thức đầu tư gián tiếp thì sẽ có khoảng trống pháp lý. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Dự thảo bao gồm cả cho vay để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.